Bắc Ninh tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để người dân hiểu và nâng cao ý thức bảo vệ quyền lợi của mình, mạnh dạn lên tiếng phản ánh những hành vi vi phạm trong kinh doanh.

Xử lý nhiều vụ việc ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bắc Ninh, xác định người tiêu dùng luôn là nhóm đối tượng đông đảo góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, thời gian qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được các các cấp, ngành của tỉnh Bắc Ninh quan tâm thực hiện.

Trong đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh giữ vai trò chủ đạo, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành liên quan tăng cường công tác chống buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm và các hành vi kinh doanh trái pháp luật khác.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bắc Ninh.Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bắc Ninh.

Kết quả kiểm tra cho thấy, có rất nhiều vụ vi phạm ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng ở hầu hết các lĩnh vực thực phẩm, quần áo, linh kiện điện tử…

Tính riêng 9 tháng qua, Cục QLTT tỉnh đã kiểm tra, phát hiện 190 cơ sở có hành vi vi phạm; tổng thu hơn 16 tỷ đồng. Trong đó, trị giá hàng tiêu hủy hơn 1,8 tỷ đồng, hàng tồn kho chưa bán 1,2 tỷ đồng, tiền thu lợi bất hợp pháp hơn 11 triệu đồng và trị giá hàng chuyển cơ quan công an xử lý hơn 9,6 tỷ đồng...

Cục QLTT đã xử phạt hành chính gần 3 tỷ đồng. Trong đó, về hàng cấm, lực lượng chức năng xử lý 5 vụ, phạt hành chính hơn 170 triệu đồng. Về vi phạm hàng giả, lực lượng QLTT xử lý 52 vụ, phạt hơn 1 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm tịch thu ước tính hơn 1,7 tỷ đồng.

Về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ, lực lượng chức năng xử lý 52 vụ, xử phạt vi phạm hành chính hơn 869 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm tịch thu ước tính hơn 843 triệu đồng. Trong lĩnh vực giá, lực lượng QLTT xử lý 35 vụ vi phạm, phạt vi phạm hành chính hơn 32 triệu đồng.

Nhiều vụ việc ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng được lực lượng chức năng tỉnh Bắc Ninh phát hiện, xử lý.Nhiều vụ việc ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng được lực lượng chức năng tỉnh Bắc Ninh phát hiện, xử lý.

Trong kinh doanh (không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh sai địa điểm, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, hàng hóa không có nguồn gốc...), lực lượng chức năng xử lý 42 vụ, phạt vi phạm hành chính hơn 629 triệu đồng, trị giá hàng tịch thu ước tính hơn 48 triệu đồng.

Đối với vi phạm về an toàn thực phẩm, lực lượng QLTT tỉnh đã xử lý 4 vụ, phạt vi phạm hành chính 52 triệu đồng, trị giá hàng hóa tịch thu ước tính 67 triệu đồng; đồng thời, phối hợp với lực lượng Công an xử lý 85 vụ, phạt hành chính hơn 1,8 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu hơn 2 tỷ đồng. Ngoài ra, Cục QLTT đã thanh tra và xử lý 9 cơ sở sản xuất, kinh doanh, phạt hành chính 254 triệu đồng.

Thời gian qua, Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bắc Ninh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ người tiêu dùng và kịp thời giải quyết khiếu nại có liên quan. Hội đã tiếp nhận và giải quyết hàng chục vụ việc khiếu nại liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng, chủ yếu nội dung khiếu nại về chất lượng sản phẩm, giá bán hàng hóa, hàng hóa không đúng như quảng cáo, bảo hành sản phẩm… Các đơn thư đã được kiểm tra xác minh và giải quyết kịp thời.

Bên cạch đó, Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bắc Ninh đã nhận được một số kiến nghị, phản hồi qua email, điện thoại của người tiêu dùng về chế độ hậu mãi (bảo hành sản phẩm); nghi ngờ sản phẩm kém chất lượng.

Hội đã tích cực chủ động xem xét, giải thích và thực hiện biện pháp hòa giải, đồng thời phối hợp giữa các đơn vị liên quan và người tiêu dùng để giải quyết thỏa đáng nguyện vọng của người tiêu dùng, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng theo quy định; từ đó, tạo được sự yên tâm, tin tưởng từ phía người tiêu dùng trong các trường hợp kiến nghị, khiếu nại.

Một số người tiêu dùng chưa quan tâm nhiều đến chất lượng cũng như nhãn mác sản phẩm, mà chủ yếu chỉ quan tâm đến tâm đến giá sản phẩm. Việc này đã tạo cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh lợi dụng sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Người tiêu dùng chưa quan tâm đến quyền lợi được bảo vệ của mình khi mua, sử dụng những sản phẩm không đảm bảo chất lượng.

Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Ông Hoàng Anh Tuấn cho rằng, số vụ khiếu nại mà người tiêu dùng tìm đến Hội để nhờ can thiệp trong thời gian qua là quá ít so với thực tế người tiêu dùng bị xâm hại về quyền lợi. Bởi qua công tác kiểm soát thị trường của các ngành chức năng cho thấy, nhiều mặt hàng không bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn được lén lút sản xuất, bày bán gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng. Dịch vụ lừa đảo bằng tin nhắn điện thoại, quảng cáo không đúng sự thật hay dịch vụ không uy tín vẫn diễn ra...

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh kiểm tra hàng hóa tại siêu thị.Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh kiểm tra hàng hóa tại siêu thị.

Điều đáng nói hơn nữa là bản thân người tiêu dùng khi bị xâm phạm quyền lợi lại có tâm lý ngại tìm đến với Hội Bảo vệ người tiêu dùng để được bảo vệ, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường, gây khó khăn trong hoạt động của tổ chức Hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thêm vào đó, tại Bắc Ninh, có rất đông người dân sinh sống ở khu vực nông thôn còn thiếu kiến thức về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhận thức về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng còn hạn chế, nhất là quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại khi bị xâm phạm... Số lượng người tiêu dùng đến với tổ chức Hội để khiếu nại và được bảo vệ khi mình bị xâm hại không nhiều.

Trong khi đó, hoạt động của Hội chưa thật sự hiệu quả do hạn chế về tài chính, cơ sở vật chất; thành viên của Hội đều hoạt động kiêm nhiệm, một số còn hạn chế về nghiệp vụ chuyên môn, trong khi địa bàn hoạt động rộng…

Để nâng cao hiệu quả việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có giải pháp căn cơ, hiệu quả để phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm phạm, gây thiệt hại, tạo điều kiện để người tiêu dùng nâng cao khả năng tự bảo vệ; hoàn thiện các chế tài đủ răn đe đối với những hành vi sai phạm ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khoẻ, tính mạng..., nhất là đối với các hàng hoá, dịch vụ thiết yếu và các đối tượng người tiêu dùng yếu thế; xây dựng cơ chế phù hợp để có kinh phí cho các hoạt động bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Ông Hoàng Anh Tuấn cho biết: “Nhiệm vụ trọng tâm của Hội trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để người dân hiểu và nâng cao ý thức bảo vệ quyền lợi của mình, mạnh dạn lên tiếng phản ánh những hành vi vi phạm trong kinh doanh.

Với vai trò tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng, Hội mong muốn nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan, nhất là sự quan tâm, đồng hành của chính quyền địa phương trong vấn đề này. Bởi thực tế, một số cấp chính quyền ở cơ sở chưa thực sự quan tâm tạo điều kiện cho tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở địa phương hoạt động”.

Bá Đoàn

Bài liên quan

Cùng chuyên mục