Chi phí logistics tăng cao, nông sản Việt Nam mất lợi thế

Chi phí logistics của nông sản Việt Nam rất cao nên mất lợi thế so với Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines. Chi phí này chiếm 30% giá thành trong khi Thái Lan là 12,5%, thế giới 14%, ông Phạm Tiến Hoài, tổng giám đốc Hanh Nguyen Logistics chia sẻ.

Ngày 9/4, tỉnh Hậu Giang tổ chức tọa đàm với chủ đề “Đòn bẩy cho logistics nông sản Đồng bằng sông Cửu Long” nhằm chỉ ra thực trạng cũng như đưa ra giải pháp góp phần tháo gỡ những rào cản về logistics đang tồn tại, yếu kém thời gian qua.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã phân tích, đánh giá những lợi thế, tiềm năng phát triển của lĩnh vực logistics phục vụ cho nông sản tại Hậu Giang nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, vướng mắc về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như những khó khăn tồn đọng, vùng sản xuất, hạ tầng logistics.

Qua đó, đề xuất các nhà quản lý cần rà soát lại và đưa ra những chủ trương phù hợp, linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và nông dân, thúc đẩy logistics phục vụ cho hàng nông sản Hậu Giang nói riêng và cả vùng cùng phát triển.

Được biết ĐBSCL là vùng trọng điểm kinh tế, đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây cho xuất khẩu cả nước. Hằng năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL lên đến hàng chục triệu tấn. Tuy nhiên, cảng biển tại ĐBSCL còn thiếu, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu. Chưa kể, tình trạng một số cảng trọng điểm tại TP.HCM thường xuyên quá tải, dẫn tới phí dịch vụ, lưu kho bãi, thời gian chờ đợi đều tăng… Thêm vào đó là khu vực ĐBSCL còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh; thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, đơn vị kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, chiếu xạ đạt chuẩn… Do đó, hàng hóa phải được vận chuyển qua nhiều địa điểm, và phải đưa lên TP.HCM để xuất đi các nơi, trong khi hệ thống giao thông ở ĐBSCL chưa phát triển xứng tầm với nhu cầu phát triển.

Đòn bẩy cho phát triển logistics ở Đồng bằng sông Cửu LongĐòn bẩy cho phát triển logistics ở Đồng bằng sông Cửu Long

Những điểm hạn chế này dẫn đến thực trạng nông sản khu vực ĐBSCL đang bị kìm hãm bởi nhiều yếu tố, trong đó có gánh nặng về chi phí Logistics. Chi phí logistics hiện tại đang chiếm cao nhất và cao một cách bất hợp lý, cụ thể là lên đến 30% giá thành sản phẩm, khiến cho nông sản ĐBSCL giảm sức cạnh tranh so với nông sản các nước như Thái Lan, Trung Quốc…

Theo ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, để logistics phục vụ nông sản Đồng bằng sông Cửu Long có bước phát triển hiệu quả trong thời gian tới, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần tạo điều kiện tốt nhất để xuất khẩu hàng hóa thuận lợi, với chi phí logistics tối ưu nhằm rút ngắn thời gian và quy trình thủ tục được thực hiện tại một điểm đến duy nhất.

“Các doanh nghiệp sẽ quy tụ để cùng giao thương, mua bán, yên tâm chọn lựa sản phẩm ưa thích; không cần đi nhiều nơi, di chuyển qua nhiều vùng nguyên liệu để chọn lựa; chỉ cần có mặt tại một nơi là có thể thu mua bất kỳ loại nông sản nào đang có nhu cầu” - ông Đồng Văn Thanh nói.

Với góc nhìn của người làm nghề chế biến trái cây xuất khẩu, bà Ngô Tường Vy, phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu ( Bến Tre) quan tâm đến bảo quản sau thu hoạch và công nghệ bảo quản sau thu hoạch, khi đó chất lượng nông sản mới đảm bảo để đi bằng đường biển.

Chi phí logistics sẽ giảm đi rất nhiều, cước vận chuyển đường hàng không cao gấp 15 lần đường biển. 

"Cước vận chuyển vải thiều xuất khẩu sang Nhật có giá 3,8-4,2 USD/kg, cộng với nhiều chi phí khác, đẩy giá trị trái vải cao. Người tiêu dùng chấp nhận nhưng lại khó cạnh tranh với Thái Lan" - bà Tường Vy chia sẻ.

Còn theo ông Phạm Tiến Hoài, tổng giám đốc Hanh Nguyen Logistics, chi phí logistics của nông sản Việt Nam rất cao nên mất lợi thế so với Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines. Chi phí này chiếm 30% giá thành trong khi Thái Lan là 12,5%, thế giới 14%.

Ông Hoài so sánh ví von về trái khóm Cầu Đúc Hậu Giang là "có trọng lượng cao nhưng giá trị thấp" vì từ khi trồng đến thu hoạch rồi qua rất nhiều khâu nhưng "giá khóm xuất khẩu chỉ 1.000USD/tấn trong khi nếu xuất 1 tấn điện thoại Iphone tới 2 triệu USD".

 Thiên Trường

Bài liên quan

Cùng chuyên mục