Đắk Lắk: Hướng đi cho trái vải chín sớm

Với mong muốn phát triển cây vải chín sớm theo hướng ổn định, chính quyền địa phương và nông dân trồng vải đang bắt tay gây dựng và phát triển vùng nguyên liệu một cách bài bản.

Khai thác lợi thế phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu

Có mặt tại Krông Pắc hơn 20 năm, đến nay cây vải chín sớm đã từng bước được định hình và phát triển trên vùng đất này. Ông Nguyễn Trọng Hải (ở thị trấn Phước An) là một trong những nông dân trồng vải sớm nhất ở huyện Krông Pắc.

Theo ghi chép của gia đình ông Hải, vườn vải của gia đình có những cây đã trên 20 năm tuổi và cho trái đạt chất lượng, được người tiêu dùng trong và ngoài huyện ưa chuộng. Từ một vườn vải đa giống theo hướng thực nghiệm để lựa chọn các giống vải phù hợp, đến nay gia đình đã tuyển lựa được các dòng vải thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương là u hồng và u trứng… Những giống vải này cho năng suất khá ổn định, chín sớm và chất lượng vải thơm ngon.

Ông Trương Đình Sơn (thôn Nghĩa Lập, xã Ea Kuăng, huyện Krông Pắc) thu hoạch vải.Ông Trương Đình Sơn (thôn Nghĩa Lập, xã Ea Kuăng, huyện Krông Pắc) thu hoạch vải

Bên cạnh trồng và chăm sóc vườn vải của gia đình mình, các hộ trồng vải trên địa bàn huyện Krông Pắc còn kết nối, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, cùng nhau khai thác lợi thế về khí hậu và ưu điểm chín sớm của vải Tây Nguyên.

Ông Trương Đình Sơn (ở thôn Nghĩa Lập, xã Ea Kuăng) có 9 sào đất trồng hơn 100 gốc vải, chủ yếu là giống u trứng cho biết, vườn vải của gia đình đang bước vào thời kỳ kinh doanh năm thứ năm. Cũng giống như các vùng trồng khác, tùy vào thời tiết, khí hậu mỗi năm mà năng suất cũng có sự biến động nhất định. Tuy nhiên, so với những cây trồng khác thì cây vải có lợi thế nổi trội là khá phù hợp với đất sỏi, đất bạc màu, dễ tiêu thụ.

Với gia đình ông Cao Văn Tài (ở thôn Nghĩa Lập, xã Ea Kuăng), cây vải đang dần định hình trên mảnh vườn rộng hơn 7 sào. Ông Tài chia sẻ, trước đây vườn trồng cà phê, khi cà phê già cỗi thì gia đình cải tạo, quy hoạch lại vườn và trồng thử nghiệm 80 gốc vải chín sớm. Qua hơn 3 năm trồng và chăm sóc, ông nhận thấy cây vải khá phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây.

Năm nay, vườn vải trồng xen của gia đình cho năng suất bình quân hơn 1 tạ quả/cây, với giá bán trên dưới 35.000 đồng/kg đã thu về hơn 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư thì lợi nhuận vẫn cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác.

Hướng đến vùng nguyên liệu có tổ chức

Theo phân tích của các chuyên gia nông nghiệp, cây vải ở Tây Nguyên chín sớm do điều kiện khí hậu khác biệt so với vùng trồng vải ở các tỉnh thành khác trên cả nước. Đây là một trong những lợi thế lớn mà nông dân địa phương có thể lựa chọn và đưa cây vải vào trong cơ cấu các loại cây trồng.

Bởi, thêm một cây trồng mới phù hợp là thêm cơ hội phát triển kinh tế cho nông dân, đặc biệt là đối với những nông dân sở hữu diện tích đất cằn cỗi – nơi khá phù hợp với cây vải. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những thách thức nhất định bởi hầu hết bà con nông dân còn khó khăn về kinh tế. Trong khi đó, vải vẫn là cây trồng dài ngày, đòi hỏi phải có thời gian kiến thiết cơ bản; nếu giống không bảo đảm chất lượng thì hệ lụy rất lớn.

Nông dân Krông Pắc đang phát triển cây vải chín sớm theo hướng bền vững.Nông dân Krông Pắc đang phát triển cây vải chín sớm theo hướng bền vững

Do đó, để phát triển cây vải theo hướng ổn định, bền vững, huyện Krông Pắc đang tiến hành kết nối nông dân trồng vải tại địa phương theo chuỗi. Theo đó, đầu tháng 4/2021, nông dân trồng vải đã thành lập Tổ hợp tác Vải chín sớm Krông Pắc. Từ đó đến nay, ngoài ổn định tổ chức thì các thành viên của tổ hợp tác còn chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nhằm nâng cao chất lượng trái vải và kết nối thị trường tiêu thụ.

Cuối tháng 4/2022, nông dân địa phương đã kết nối với các đơn vị liên quan để tiêu thụ 35 tấn vải chín sớm theo hướng hàng hóa. Theo phản ánh của đơn vị thu mua, qua kiểm định chất lượng cho thấy vải chín sớm ở Krông Pắc cơ bản đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu và được người tiêu dùng đón nhận. Tuy nhiên, để thuận lợi hơn trong khâu tiêu thụ, nông dân địa phương cần phải kết nối sản xuất để xây dựng vải chín sớm thành nông sản có tính chất hàng hóa cao (diện tích ổn định, chất lượng tốt, đồng đều, chín đủ số lượng nhất định, có mã số vùng trồng…).

Mặt khác, theo phản ánh của thương nhân, hầu hết các vườn vải đều được trồng ở vùng đất cằn cỗi, khoảng cách giữa các vườn vải nằm cách xa nhau, đường sá đi lại khó khăn. Trong khi đó, vải thu hoạch chưa đủ độ chín sẽ không bảo đảm độ ngọt, thậm chí chua; còn thu hoạch muộn dễ bị rụng quả trong quá trình thu hái và vận chuyển, làm mất độ thẩm mỹ của chùm vải. Do đó, vải phải thu khi chín tới, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, sơ chế và bảo quản chặt chẽ sau khi thu hái để quả giữ được sự tươi mới, tránh bị thâm…

Ông Y Niêm Êban, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Pắc cho biết, sự gia tăng về diện tích cũng đặt ra những lo ngại nhất định về chất lượng, thị trường tiêu thụ… Hội Nông dân huyện đang rà soát diện tích, các giống vải nhằm phối hợp với chính quyền địa phương các cấp và chủ vườn vải thiết lập vùng nguyên liệu một cách quy mô, bài bản.

Cụ thể là thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất vải chín sớm để tạo sự kết nối giữa nhà vườn cung cấp giống, nông dân trồng vải đến hỗ trợ, tương tác kỹ thuật sản xuất, thiết lập đầu mối thu mua vải; tạo tiền đề ban đầu để gây dựng và phát triển chuỗi giá trị cho cây vải chín sớm theo hướng có tổ chức.

Không phải ngẫu nhiên vải ở Tây Nguyên cho thu hoạch sớm hơn các tỉnh phía Bắc khoảng một tháng và được người tiêu dùng chấp nhận. Đó là một hành trình dài được định hình và phát triển hàng chục năm nay. Vì vậy, việc xây dựng vùng nguyên liệu có tổ chức là hướng đi đúng, có lợi cho nhiều người và triển khai càng sớm càng tốt.

Th. Hương (Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử)

 

Bài liên quan

Cùng chuyên mục