Đột kích 2 cơ sở có dấu hiệu in lậu hơn 50.000 cuốn sách

Qua kiểm đếm ban đầu, lực lượng chức năng đã phát hiện trên 50.000 cuốn sách thành phẩm và bán thành phẩm tại 2 xưởng in với nhiều đầu sách giáo khoa, sách tham khảo các môn học tiếng Anh, hóa học…

Theo đó, vào 13h ngày 19/7, Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an), Phòng an ninh chính trị nội bộ (Công an TP Hà Nội), Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông TP Hà Nội và Công an quận Bắc Từ Liêm tổ chức kiểm tra 2 cơ sở in sách giáo khoa, sách tham khảo có dấu hiệu làm giả.

Cơ sở thứ nhất là Công ty cổ phần in Kết Thành (địa chỉ tại tổ dân phố Phú Minh, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm) do ông Lê Duy Minh làm giám đốc và cơ sở in của Công ty Cao Thuận Phát (địa chỉ số 56 đường Bờ Sông, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm) do ông Cao Toàn Tính sở hữu.

Công an thu giữ gần 50.000 cuốn sách nghi bị làm giả. Ảnh: H.L.Công an thu giữ hơn 50.000 cuốn sách nghi bị làm giả

Tại thời điểm kiểm tra, các chủ cơ sở chưa xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc các xuất bản phẩm tại 2 cơ sở in và có dấu hiệu bị làm giả.

Qua kiểm đếm ban đầu, lực lượng chức năng đã phát hiện trên 50.000 cuốn sách thành phẩm và bán thành phẩm tại 2 xưởng in với nhiều đầu sách giáo khoa, sách tham khảo các môn học tiếng Anh, hóa học… 

Đến 20h tối, lực lượng chức năng liên ngành đã kiểm đếm được trên 15 tấn sách thành phẩm và bán thành phẩm tại 2 xưởng in ấn.

Bước đầu, lực lượng chức năng xác định quy trình sản xuất như sau: các công nhân sẽ in nội dung lên bản kẽm, sau đó đưa vào máy in offset công nghiệp. Bản in đó sẽ in nội dung lên giấy khổ A0. Tiếp đến, các bản in được đưa vào máy cắt, máy đóng gáy thành từng quyển để hoàn chỉnh rồi đóng gói.

Cơ quan an ninh kiểm kê tang vật tại xưởng in ở quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: H.L.Lực lượng chức năng liên ngành đã kiểm đếm được trên 15 tấn sách thành phẩm và bán thành phẩm tại 2 xưởng in ấn

Cuối tháng 6, Bộ Công an đã khởi tố 2 giám đốc doanh nghiệp và 5 người khác ở Hà Nội về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả.

Các bị can khai đã sản xuất trên 3,2 triệu cuốn sách giáo khoa giả của Nhà xuất bản Giáo dục rồi tiêu thụ ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Thanh Hóa, ua đó thu lợi bất chính số tiền hơn 50 tỷ đồng.

Theo các Nghị định 159 và 113, hành vi sản xuất, in ấn, phát hành và buôn bán sách giả để trục lợi có thể bị phạt 20-35 triệu đồng. Còn Điều 225 Bộ luật Hình sự quy định hành vi xâm phạm bản quyền tác giả, quyền liên quan có thể bị phạt tù lên đến 3 năm. Pháp nhân vi phạm thì bị phạt tiền cao nhất là 3 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động tối đa 12 tháng.

Ngọc Linh

Bài liên quan

Cùng chuyên mục