Hà Nội dự trữ hàng hóa thiết yếu từ 30-50% và đảm bảo đủ cho người dân trong 3 tháng

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trước diễn biến tình hình dịch Covid-19 còn nhiều phức tạp, các doanh nghiệp đã tăng cường dự trữ 17 mặt hàng thiết yếu từ 30-50%, trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường. Tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng.

Theo đó, các doanh nghiệp cũng chuẩn bị dự trữ lượng hàng hóa theo chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỉ đồng, bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển đảm bảo đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.

TP Hà Nội đã yêu cầu các doanh nghiệp phân phối, siêu thị tăng cường các biện pháp khai thác, dự trữ hàng hóa thiết yếu, tìm kiếm nguồn hàng thay thế, bổ sung từ các tỉnh, thành, đẩy mạnh thực hiện bán hàng qua các ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng online, điện thoại…

Nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu nhân dân trên địa bàn TP trong tình hình mới, Sở Công Thương sẽ thường xuyên rà soát, cập nhật các phương án đảm bảo hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trên địa bàn.

Đồng thời chủ trì, phối hợp tăng cường công tác kết nối cung cầu, tổng hợp, cung cấp thông tin nguồn hàng hóa thiết yếu, nông sản mùa vụ đến các đơn vị phân phối

Phối hợp với các lực lượng chức năng chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát việc các quầy hàng thiết yếu trong các chợ đầu mối, chợ dân sinh đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, đảm bảo giãn cách, hạn chế tiếp xúc trực tiếp...

Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hóa bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… sẵn sàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. 

Hàng hóa đầy ắp các kệ hàng tại các siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Văn Hưng.Hàng hóa đầy ắp các kệ hàng tại các siêu thị ở Hà Nội

Để phục vụ phòng chống dịch COVID-19, TP đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện đã bố trí làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán hàng cố định và các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết. 

Sẵn sàng huy động hàng nghìn xe chở hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối và các quận huyện sẵn sàng đưa hàng kịp thời đến 7.500 điểm bán hàng hóa thiết yếu trên địa bàn.

Sở Công thương TP Hà Nội khẳng định trong bất kỳ tình huống nào, hàng hóa cũng đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân, kể cả khi nhu cầu mua sắm tăng cao, không để xảy ra thiếu hàng, phân bổ lượng hàng hóa đầy đủ trong hệ thống. 

Do đó, Sở Công thương TP Hà Nội khuyến cáo người dân yên tâm, không dự trữ hàng hóa, không tập trung đến các hệ thống phân phối, tránh lây nhiễm dịch bệnh.

Trước đó, ngay sau khi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Công điện số 15/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trên địa bàn thành phố có hiện tượng sức mua các hàng hóa thực phẩm tươi sống tăng lên tại các hệ thống phân phối từ 1,5-3 lần so với bình thường.

Nhờ có có sự chuẩn bị sẵn sàng về hàng hóa, nhân lực, lực lượng chức năng tăng cường trong kiểm tra, kiểm soát thị trường chống đầu cơ, găm hàng, tích trữ, cộng với tuyên truyền nên hoạt động mua sắm trở lại bình thường, hàng hóa dồi dào, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu nhân dân.

 Thiên Trường

Cùng chuyên mục