Kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết về khôi phục sản xuất nông nghiệp trên cả nước

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh phía Nam. Nếu tình hình này không được cải thiện và còn kéo dài thì sẽ gây đứt gãy chuỗi sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản dẫn đến nguy cơ thiếu sản lượng, nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trong nước và xuất khẩu trong các tháng cuối năm là rất lớn.

Trên cơ sở đó, nhằm duy trì sản xuất ổn định, lâu dài, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm, giữ vững thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam, Tổ công tác 970 Bộ NN&PTNT đề nghị Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ kiến nghị Chính phủ xây dựng và ban hành Nghị quyết về khôi phục sản xuất nông nghiệp trên cả nước, trong đó ưu tiên cho khôi phục sản xuất nông nghiệp trong và sau đại dịch COVID- 19.

Còn nhiều lượng nông sản cần được tiêu thụ

Tổ công tác 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tại các tỉnh phía Nam, tính đến hết tháng 8/2021, về lúa, gạo, sản lượng lúa ước đạt 16,86 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến sản lượng những tháng còn lại đạt 8,78 triệu tấn. Ngoài đáp ứng nhu cầu lương thực cho phần thiếu hụt của vùng Đông Nam bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn thừa khoảng 3 triệu tấn gạo đảm bảo yêu cầu an toàn lương thực và xuất khẩu.

Riêng trong tháng 8, thu hoạch lúa Hè Thu vùng Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 400 ngàn ha, năng suất 5,76 tấn/ha với sản lượng 2,3 triệu tấn. Đến hết tháng 8, lúa Thu Đông đã gieo sạ 500.000 ha, đạt 70% so với kế hoạch, ước cả vụ sẽ xuống giống 700 nghìn ha.

Về rau, sản lượng ước đạt 3,83 triệu tấn. Dự kiến thu hoạch những tháng còn lại 54 nghìn ha với khoảng 986 nghìn tấn. Ngoài việc cung ứng cho vùng Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long còn gần 1.500 nghìn tấn rau, củ các loại cần được tiêu thụ.

Đối với cây ăn quả, sản lượng thu hoạch đạt 4 triệu tấn. Dự kiến sản lượng những tháng còn lại khoảng 1,75 triệu tấn tấn. Trái cây là mặt hàng cần khuyến khích tiêu dùng mạnh trong mùa dịch khi có gần 400 nghìn tấn cần được tiêu thụ trong tháng 9 và hơn 1,3 triệu tấn cần tiêu thụ đến tháng 12/2021 nếu tình hình xuất khẩu gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, về tình hình chăn nuôi, tại các tỉnh, thành phía Nam, tổng đàn heo ước đạt 8 triệu con, sản lượng 869 nghìn tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến sản lượng những tháng còn lại 430 nghìn tấn. Về đàn gia cầm, tổng đàn ước đạt 154,7 triệu con, sản lượng 343 nghìn tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến tổng đàn những tháng còn lại 154 triệu con, sản lượng 171 nghìn tấn.

Với sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 2,006 triệu tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tôm nước lợ ước đạt 579.000 tấn; cá tra ước đạt 857 nghìn tấn. Dự kiến sản lượng những tháng còn lại đạt khoảng 1,526 triệu tấn.

Thời gian qua, Tổ công tác 970 đã thực hiện kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nhiều tỉnh, thành phố Nam bộ. Trong đó, đã thực hiện kết nối trên 1.400 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký với Tổ. Đồng thời, đã tổ chức vận hành trang web kết nông cung cầu sản phẩm tại địa chỉ https://htx.cooplink.com.vn nhằm đẩy nhanh tiến độ kết nối và mua bán nông sản khi người mua và người bán tự tìm được số điện thoại và thông tin sản phẩm cần mua và cần bán trên web. Kết quả kết nối cung cầu hiện tại tiêu thụ thành công với sản lượng 300-400 tấn/ngày, cao điểm có ngày trên 1.000 tấn nông sản.

Nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất nếu khó khăn kéo dài

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh phía Nam gặp nhiều khó khăn. Trong đó, điểm đáng chú ý là sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2021-2022. Đây là vụ lúa thường bố trí thời gian xuống giống sớm trong tháng 10 khoảng 250-300 nghìn ha để nhằm hạn chế suy giảm năng suất do ảnh hưởng của tình hình khô hạn và xâm nhập mặn có thể xảy ra cho các tỉnh vùng ven biển. Và xuống giống các tháng 11, 12 (mỗi tháng khoảng 600 nghìn ha) theo chính vụ lúa Đông Xuân 2021-2022; phần còn lại sẽ xuống giống trong tháng 1/2022.

Đây cũng là vụ lúa chính tại Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích gieo trồng khoảng 1,5 triệu ha với sản lượng hơn 10 triệu tấn lúa, có năng suất cao, chất lượng gạo tốt, sản lượng nhiều, giá thành thấp, giá bán cao đáp ứng các mục tiêu về lợi nhuận, xuất khẩu, tăng trưởng và an ninh lương thực cho toàn vùng Nam bộ. Các nhu cầu vật tư nông nghiệp để cung ứng phục vụ cho sản xuất vụ lúa này cần được chuẩn bị sớm, trong đó cấp bách nhất là lúa giống vì tính chất nghiêm ngặt về thời vụ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Xét nhu cầu lúa giống cho cả vụ ước tính cần khoảng 200 nghìn tấn (cần 230 nghìn tấn lúa giống nếu sử dụng bình quân 150kg hạt giống/ha; nếu đẩy mạnh và thực hiện theo khuyến cáo 120 kg hạt giống/ha thì nhu cầu khoảng 180 nghìn tấn giống) trong khi năng lực các công ty sản xuất và kinh doanh hạt giống lúa và Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long chỉ cung ứng tối đa 100 nghìn tấn giống. Các hợp tác xã, hộ sản xuất giống kinh doanh và trao đổi giống đạt phẩm cấp có thể cung ứng khoảng 50-70 nghìn tấn giống. Như vậy vẫn còn thiếu khoảng 50-70 nghìn tấn.

Trong điều kiện sản xuất bình thường khả năng sử dụng giống đạt phẩm cấp có thể chiếm tỷ lệ 75-80%, phần còn lại do nông dân tự chọn lựa để giống. Tuy nhiên, trong trường hợp dịch COVID-19 do việc thu hoạch, sơ chế bảo quản giống tại công ty và hệ thống sản xuất giống nông hộ gặp khó khăn nên việc cung ứng giống đạt phẩm cấp cho sản xuất có thể thiếu so với nhu cầu do các ruộng sản xuất giống không được thu hoạch và vận chuyển kịp thời để sơ chế nên không đạt các tiêu chuẩn làm giống. Các doanh nghiệp và hệ thống kinh doanh hạt giống ở cấp tỉnh, huyện, xã bị giới hạn về lưu thông, vận chuyển, chế biến nên khả năng cung ứng giống không kịp thời vụ sản xuất và nông dân khó tiếp cận giống lúa theo mong muốn. Các liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân có thể bị đứt gãy ngay từ khâu cung ứng giống cho sản xuất.

Trên lĩnh vực chăn nuôi, việc duy trì các hoạt động sản xuất ở các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi, giết mổ, dịch vụ hậu cần đáp ứng các yêu cầu “3 tại chỗ” khi tăng cường giãn cách xã hội đã làm tăng giá thành, giảm giá bán, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi.

Do nhu cầu giảm, lưu thông hàng hóa còn khó khăn nên sản phẩm thịt gà công nghiệp lông trắng quá lứa, quá thời gian nuôi ứ đọng sản xuất dẫn đến thiếu chuồng trại để tái đàn. Giá tiêu thụ sản phẩm rất thấp khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long chỉ dao động từ 6-10 nghìn đồng/kg, trong khi giá thành 27-29 nghìn đồng/kg.

Hình thức chăn nuôi trang trại vẫn cơ bản duy trì được tốc độ tăng trưởng trong khi có dịch, nhưng hình thức chăn nuôi nông hộ giảm nhiều, đặc biệt là chăn nuôi gia cầm do tâm lý của người chăn nuôi chưa xác định được khi nào thì dịch bệnh được kiểm soát trong khi sản phẩm rớt giá, giá thức ăn tăng cao,... Điều này có thể dẫn đến khan hiếm cục bộ sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là sản phẩm thịt gà trong dịp Tết Nguyên đán do nhu cầu tiêu thụ tăng từ 10-20%.

Hiện trạng khó khăn cho sản xuất nông nghiệp vừa qua nếu chưa được cải thiện và còn kéo dài thì sẽ gây đứt gãy chuỗi sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và nguy cơ thiếu sản lượng, nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trong các tháng cuối năm là rất lớn.

Kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết về khôi phục sản xuất nông nghiệp trên cả nước

Việc thực hiện tăng cường giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nhất định đến sản xuất, lưu thông, tiêu thụ nông sản tại các tỉnh phía Nam. Nhằm duy trì sản xuất ổn định, lâu dài, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm, giữ vững thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam, Tổ công tác 970 đề nghị Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ kiến nghị Chính phủ xây dựng và ban hành Nghị quyết về khôi phục sản xuất nông nghiệp trên cả nước, trong đó ưu tiên cho khôi phục sản xuất nông nghiệp trong và sau đại dịch COVID- 19. Để từ đó có căn cứ và cơ sở xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả tại các địa phương.

Đối với 19 tỉnh, thành Nam Bộ, Tổ công tác 970 đề nghị xây dựng kế hoạch sản xuất trong và sau giai đoạn giãn cách nhằm đảm bảo sản xuất, cung ứng nông sản ổn định, lâu dài.

Đáng chú ý, trong chuỗi sản xuất, chế biến nông lâm sản và thủy sản, Tổ Công tác 970 đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động tham gia chuỗi sản xuất (từ sản xuất giống đến chế biến). Đồng thời, các cơ sở, doanh nghiệp lập danh sách công nhân ưu tiên tiêm vaccine (bao gồm công nhân chưa tiêm, công nhân đã tiêm mũi 1). Địa phương ưu tiên tổ chức tiêm vaccine sớm nhất cho các đối tượng này, đảm bảo đủ nhân lực cho hoạt động sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản. Cho phép các đối tượng đã tiêm vaccine hoặc bị nhiễm COVID-19 nhưng đã khỏi bệnh tham gia sản xuất.

Ngoài ra, tổ chức nhiều điểm xét nghiệm COVID-19, đảm bảo người lao động được xét nghiệm trong khi đang tham gia hoạt động sản xuất. Xem xét việc cho phép doanh nghiệp được xét nghiệm nhanh và chịu trách nhiệm về kết quả xét nghiệm. Bên cạnh đó, cần xem xét cho phép doanh nghiệp mở rộng “3 tại chỗ” khi đủ điều kiện. Doanh nghiệp xây dựng phương án “y tế tại chỗ và 3 xanh” (công nhân xanh, nơi ở của công nhân xanh, nhà máy, cơ sở sản xuất xanh, doanh nghiệp được chủ động xử lý y tế)./.

 Theo báo Đảng Cộng Sản

Bài liên quan

Cùng chuyên mục