Ngấm đòn Covid-19, “bóng ma” nợ xấu bao trùm lên các ngân hàng

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, dẫn đến mất khả năng trả nợ ngân hàng. Các ngân hàng đồng loạt thanh lý các loại tài sản thế chấp để thu hồi nợ, với những khoản nợ có trị giá từ vài trăm triệu đến hàng nghìn tỷ đồng.

Liên tục phát mãi tài sản đảm bảo để thu hồi nợ

Thời gian gần đây, Sacombank liên tục phát mại và bán đấu giá hàng loạt tài sản và khoản nợ. Phần lớn số tài sản bảo đảm trong danh sách này đã được ngân hàng rao bán nhiều lần nhưng vẫn chưa tìm được người mua. Hiện, BĐS có giá trị lớn nhất đang được ngân hàng Sacombank rao bán là hơn 13.000m2 diện tích tầng hầm chung cư với giá là 362 tỷ đồng.

Cùng với đó, hơn 2.243m2 diện tích sàn thương mại dịch vụ tại tầng 7 một tòa chung cư cũng đang được ngân hàng này rao bán với giá 126 tỷ đồng. Đầu tháng 5/2021, Sacombank đã gộp chung toàn bộ tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty CP Sản xuất Thương mại Giấy Bảo Hưng để phát mại, thu hồi nợ xấu. Khối tài sản này được rao bán với giá khởi điểm 640 tỷ đồng.

Gần nhất, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) thông báo sẽ tổ chức bán đấu giá cảng cạn Đình Vũ- Quảng Bình, tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình với tổng giá trị đến 21/5 là gần 197 tỷ đồng, nợ gốc là hơn 161 tỷ đồng. Giá chào bán khởi điểm cho tài sản trên là hơn 258 tỷ đồng vào giữa năm 2020.

Còn Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đang phát mại lần thứ 4 tài sản đảm bảo thanh lý nợ là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 22, tờ bản đồ số 62, địa chỉ tại 91 Hồ Xuân Hương, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Bất động sản có diện tích 443,1 m2, mục đích sử dụng là đất thương mại dịch vụ.

Tài sản gắn liền trên đất là tòa khách sạn 12 tầng có thời hạn sở hữu đến ngày 4/5/2046.

Khách sạn này được Vietcombank chào bán với giá khởi điểm 74,3 tỷ đồng. Thời gian ngân hàng tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá đến ngày 22/6 và dự kiến tổ chức đấu giá vào ngày 25/6.

Tại BIDV, website của ngân hàng này dày đặc thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm. Theo đó, BIDV lần thứ 4 rao bán khoản nợ của 2 đơn vị là Công ty TNHH xây dựng và Kinh doanh nhà Bách Giang, Công ty TNHH xây dựng thương mại Cao Nguyên. Trong đó, dư nợ tạm tính đến ngày 6/5 của Công ty TNHH xây dựng kinh doanh Nhà Bách Giang là hơn 236 tỷ đồng, còn dư nợ của Công ty TNHH xây dựng thương mại Cao Nguyên là hơn 245 tỷ đồng. Một đơn vị khác mà phía BIDV đang rao bán nợ là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long (Tincom). Giá khởi điểm mà BIDV đưa ra cho khoản nợ này là 86 tỷ đồng, thấp hơn 42% so với mức giá đưa ra hồi đầu tháng 3.

“Bóng ma” nợ xấu cao quay trở lại

Tính đến cuối năm 2020 nhiều ngân hàng thông báo nơ xấu đã giảm nhiều nhưng từ đầu năm đến nay, nợ xấu tại nhiều ngân hàng tăng mạnh. Điển hình tại kết thúc quý 1 nợ xấu tại ACB tăng 61% lên 2.954 tỷ đồng. Ngoài ra, các ngân hàng đang nắm giữ số lượng nợ xấu cao trong hệ thống gồm: VPBank nợ xấu tương ứng hơn 10.420 tỷ đồng, VietinBank nợ xấu hiện khoảng hơn 8.950 tỷ đồng. Vietcombank nợ xấu lên hơn 7.690 tỷ đồng, MB lên hơn 4.180 tỷ đồng.

Ngân hàng sẽ tiếp tục chạy theo "bóng ma" nợ xấuNgân hàng sẽ tiếp tục chạy theo "bóng ma" nợ xấu

Các chuyên gia đánh giá nguyên nhân nợ xấu tăng cao một phần là do tài sản phát mại nhiều lần nhưng không bán được. Nguyên nhân khác là do các ngân hàng đã chủ động phân loại lại nợ để bắt đầu xử lý.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc các ngân hàng ồ ạt rao bán nợ cho thấy hoạt động thúc đẩy xử lý nợ xấu tồn đọng đang được gấp rút thực hiện nhằm hoàn thiện quá trình tái cơ cấu. Báo cáo mới nhất của Công ty CP Chứng khoán BOS, nợ xấu của các ngân hàng đang tăng lên với tổng giá trị nợ xấu đang niêm yết đạt 91.244 tỷ đồng vào ngày 31/3/2021, tăng 3.948 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng nhẹ 0,02% lên 1,41%. Trong tổng số các ngân hàng đang niêm yết, có 17 ngân hàng tăng tỷ lệ nợ xấu với mức tăng trưởng trung bình 0,05 - 0,1%. Đáng chú ý là ACB tăng 0,32%; Vietcombank tăng 0,26% và HDBank tăng 0,19%. VPBank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất là 3,5%, tăng 0,05% so với cuối năm 2020.

Không chỉ nợ xấu nội bảng tăng mà nợ xấu tiềm ẩn từ nợ cơ cấu của các ngân hàng cũng đang khá lớn. PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, nợ xấu có nguy cơ tăng cao khi dịch Covid-19 ở trong nước và trên thế giới vẫn phức tạp, nhất là đợt dịch bùng phát mạnh từ cuối tháng 4 đến nay gây khó khăn cho DN. Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN, có hiệu lực từ ngày 17/5/2021, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN cho phép các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với nhiều khoản vay, nhưng nợ xấu này sẽ dần hiện hình đến khi thời hạn của chính sách kết thúc.

Các chuyên gia của Công ty cổ phần chứng khoán BOS phân tích: “Việc Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ làm cho bức tranh nợ xấu chưa phản ánh đúng thực tế. Các ngân hàng không phải trích lập dự phòng, làm giảm chi phí dự phòng, gia tăng lợi nhuận nhưng rủi ro cũng tăng lên.”

Điều này cũng được thể hiện trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi số doanh nghiệp rời bỏ thị trường và số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao (lần lượt tăng 20,7% và 23%), trong đó có cả doanh nghiệp lớn rút khỏi thị trường. Hiện Bộ này đang yêu cầu tìm hiểu xem vấn đề là gì, nhưng có một nhận định chung là sức khỏe của doanh nghiệp đang yếu mà nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng chia sẻ lo lắng nhiều hơn khi đợt bùng phát dịch COVID-19 lần này ‘đánh’ vào các khu công nghiệp - những nơi chủ chốt tạo ra hàng hóa xuất khẩu, nguồn thu ngân sách cho nền kinh tế như tại Bắc Giang, Bắc Ninh. Đây là 2 tỉnh chiếm tới 10% vốn FDI, 5% giá trị xuất khẩu của cả nước. Tác động của đợt dịch qua 2 địa bàn công nghiệp trọng điểm này rất lớn, sẽ rất khó khăn và mất ít nhất 2 tháng, hoạt động của các khu công nghiệp tại đây mới có thể trở lại.

 Ngọc Linh

Bài liên quan

Cùng chuyên mục