Nhiều đại lý của Toyota cố tình bán “bia kèm lạc”?

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn vì dịch bệnh, các mẫu xe mới đang ngày càng rẻ hơn, đẹp hơn, nhiều cơ hội hơn cho người dùng lựa chọn. Tuy nhiên, tại một số đại lý của Toyota thì thông tin xe tăng giá hay thậm chí "bán bia kèm lạc" luôn gây bức xúc cho người tiêu dùng.

LTS: Ngay sau khi bài viết “Toyota Quảng Ninh: Khách hàng bức xúc về việc phiền phức khi mua xe” được đăng tải, rất nhiều độc giả đã phản ánh và chia sẻ những bức xúc khi gặp trường hợp “bán bia kèm lạc” tương tự.

Theo đó, ngày 31/03, tòa soạn Thương hiệu và Công luận đã đăng tải bài viết “Toyota Quảng Ninh: Khách hàng bức xúc về việc phiền phức khi mua xe” để phản ánh về những phiền phức mà một nữ khách hàng trú tại huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh) gặp phải khi đi mua chiếc xe Raize tại Showroom Toyota Quảng Ninh. 

Ngay sau khi bài viết được đăng tải, rất đông bạn đọc đã phản ánh và chia sẻ những bức xúc tương tự khi mua xe tại các Showroom khác thuộc hệ thống của Toyota. Tòa soạn Thương hiệu và Công luận thông tin liên quan đến nội dung trên, nhằm cung cấp tới độc giả và lực lượng chức năng có cái nhìn tổng thể, như một minh chứng về thực trạng đang diễn ra tại một số Showroom ô tô của Toyota như sau:

Toyota Hà Đông: “Đơn đặt hàng phụ kiện không thể tách rời hợp đồng mua xe”

Toyota Hà Đông
Toyota Hà Đông

Từ những thông tin được đăng tải trên các diễn đàn mạng xã hội, phản ánh về những bức xúc của khách hàng khi đặt mua xe tại Showroom Toyota Hà Đông, trong đó có việc khách muốn đặt cọc mua xe, ngoài việc chi phí mua xe theo đúng giá niêm yết, bắt buộc khách phải chi thêm một phần chi phí (gọi là chi phí ngoài hợp đồng), việc phát sinh chi phí thêm này có thể bằng hợp đồng mua thêm phụ kiện, đôi khi cũng có thể cộng dồn vào giá bán của chính chiếc xe mà khách mua trong tương lai, phóng viên tòa soạn Thương hiệu và Công luận mục sở thị hoạt động mua bán tại đây.

Trong vai người có nhu cầu sắm một chiếc xe Raize – đây là loại xe tương đối mới đối với thị trường Việt Nam, phóng viên được một nhân viên tên Vũ tự xưng là người của Toyota Hà Đông có địa chỉ tại 977-979 Quang Trung déo dài, Hà Đông (Hà Nội) tận tình tư vấn.

Qua câu chuyện trao đổi với nhân viên Vũ, biết được, tại Showroom này thời điểm đầu tháng 04/2022 vẫn có thể đặt cọc xe và nhận được chiếc xe Raize màu đen như mong muốn, đây là chiếc xe thuộc suất của “sếp” tại Showroom Toyota Hà Đông. Chỉ có điều, để sở hữu chiếc xe Raize trong tháng 04 này, ngoài khoản chi phí theo giá niêm yết, khách hàng còn phải chi trả thêm một khoản phí bên ngoài để mua phụ kiện (bao gồm: phim cách nhiệt, thảm trải sàn, camera hành trình,...) tổng gói phụ kiện lên đến hơn 50 triệu đồng.

Hợp đồng mua bán xe của một khách hàng
Hợp đồng mua bán xe của một khách hàng

Chia sẻ thật với khách hàng, nhân viên này cũng cho biết, giá trị thực của gói phụ kiện này chỉ tầm khoảng 15 triệu, còn nếu khách hàng muốn lấy xe sớm thì phải chi trả thêm trên 30 triệu, tổng khoảng hơn 50 triệu đồng.

Như vậy, vào thời điểm đầu tháng 04/2022, khi nhân viên Vũ tư vấn, tổng số tiền khách hàng phải bỏ khi mua chiếc xe Raize tại Showroom Toyota Hà Đông sẽ rơi vào khoảng 572 triệu đồng, chênh lệch trên 50 triệu đồng so với giá niêm yết từ hãng.

Trong quá trình trao đổi, nhân viên tại Showroom Toyota còn không quên gửi mẫu hợp đồng mua bán xe để khách tiện nghiên cứu. Tại Điều 1 của hợp đồng thể hiện rõ: “Bên mua đặt mua thêm một số phụ kiện cho chiếc xe trên với tổng giá trị là... Đơn đặt hàng phụ kiện là một phần không thể tách rời của hợp đồng này. ....”. Như vậy, trong bản hợp đồng này đã thể hiện rõ, đơn đặt hàng mua phụ kiện sẽ là một phần không thể tách rời của hợp đồng mua bán xe, đúng như khẳng định của nhân viên Vũ với chính phóng viên – cũng là vị khách hàng mà nhân viên Vũ tư vấn.

Câu hỏi đặt ra là: Điều khoản áp theo đơn đặt hàng phụ kiện này có nằm trong mẫu hợp đồng mua bán xe của Toyota Việt Nam, hay do chính đại lý soạn ra? Điều này cần được cơ quan chức năng và Toyota Việt Nam làm rõ.

Theo tìm hiểu, mẫu xe Raize hiện nay về thị trường rất ít, hãng phân bổ cho mỗi đại lý theo giới hạn nhất định, chính vì vậy lại càng tạo sự khan hiếm về chủng loại xe này.

Toyota Hoài Đức: Sẵn sàng hủy hợp đồng đặt cọc của khách

Tại diễn đàn với hơn 50 nghìn thành viên trên mạng xã hội, một khách hàng tên T.D than thở về cách làm của Toyota Hoài Đức đã khiến vị khách này khó “nuốt” trôi cục tức.

Vị khách này cho biết, đã đặt cọc chiếc xe Raize màu xanh lam trong tháng 01/2022, theo kế hoạch sẽ được nhận xe vào tháng 04,5/2022. Tuy nhiên, vào tháng 03/2022 cũng chính tại Showroom này, anh nhận được thông báo tạm hoãn kế hoạch nhận xe như trong hợp đồng vì không có xe về kịp.

Vì không nhận được xe theo đúng kế hoạch, vị khách này đành ngậm ngùi hủy hợp đồng và rút tiền đặt cọc như đã thỏa thuận. Tuy nhiên, điều làm anh bực mình là vừa ký hủy hợp đồng đặt cọc buổi sáng thì buổi chiều một nhân viên kinh doanh tại chính Showroom này đã đã rao bán chiếc xe ô tô màu xanh như trên, giao ngay trong tháng 4, 5 tới đây. Điều kiện để sớm nhận được chiếc xe này cũng không khác gì các Showroom của Toyota khác là kèm theo “đống lạc” (được hiểu là tiền phụ kiện hoặc phụ thu thêm ngoài hợp đồng – PV).

Những bức xúc của khách hàng đối với Toyota Hoài Đức
Những bức xúc của khách hàng đối với Toyota Hoài Đức

“Khách cọc trước mấy tháng thì báo không có xe, mà đại lý lại có xe về không có khách ký” - bất bình với cách làm của Toyota Hoài Đức vị khách này chia sẻ, đồng thời cho rằng Toyota Hoài Đức rất chộp giật và coi thường khách hàng.

Ngay sau khi bài viết được chia sẻ, đã có rất nhiều người tỏ ra bức xúc, thậm chí có người còn đồng tình với việc rút cọc hợp đồng của vị khách T.D, bởi họ cho rằng chất lượng dịch vụ của Toyota Hoài Đức quá kém, rất nhiều người đã gặp phải trường hợp ép khách tương tự.

Như vậy, khi xe chưa có sẵn tại đại lý, đại lý bán xe sẽ yêu cầu khách hàng đặt cọc một khoản tiền để xác nhận việc mua xe. Tuy nhiên, thực tế đã xuất hiện sự việc khi không có xe để giao, hoặc muốn “khều” thêm tiền của khách mà không được khách đồng ý, đại lý sẵn sàng giải quyết bằng cách đơn giản là trả lại số tiền đặt cọc cho khách hàng.

Nhiều ý kiến cho rằng, để tránh tranh chấp xảy ra, người mua xe cần đọc kỹ biên bản thỏa thuận cọc giữa hai bên. Trường hợp không có thỏa thuận nào khác, khi đại lý đã nhận tiền đặt cọc mà không có xe để bán thì đại lý phải trả lại số tiền đặt cọc và một khoản tiền tương đương với số tiền mà bên mua đã đặt cọc.

Mặt khác, nếu phát hiện các điều khoản với nội dung cho phép thay đổi giá tại thời điểm giao xe, người mua có thể yêu cầu đại lý loại bỏ các điều khoản này ra khỏi hợp đồng.

Trên đây là 02 minh chứng điển hình cho tình trạng ép khách hàng tại đại lý của Toyota, chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh tới quý độc giả ở những bài viết tiếp theo về những bức xúc của khách hàng, cũng như ý kiến của các chuyên gia, những nhà quản lý về vấn nạn này.

(Còn nữa)

N.T

Theo Thuonghieucongluan.com.vn

Cùng chuyên mục