PGS-TS Phan Trung Hiền: Định giá đất phải công khai, minh bạch

PGS-TS Phan Trung Hiền, Trưởng Khoa Luật - Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, muốn giải quyết tận gốc vấn đề giá đất tính bồi thường nhằm giảm đến mức tối thiểu khiếu nại, khiếu kiện thì phải bổ sung nguyên tắc “công khai, minh bạch” trong các nguyên tắc định giá đất.

Liên quan đến việc bỏ khung giá đất để giải quyết vấn đề tố cáo, khiếu nại đến thu hồi đất, đưa giá đất đền bù sát giá thị trường, PGS-TS Phan Trung Hiền, Trưởng Khoa Luật - Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng, việc bỏ khung giá đất chỉ giải quyết được 1/3 vấn đề bất cập của giá đất tính do không phản ánh được giá thị trường gây ra khiếu nại, khiếu kiện trong thời gian vừa qua.

PGS-TS Phan Trung Hiền, Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ.PGS-TS Phan Trung Hiền, Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ.

Để giải quyết tận gốc vấn đề đất tính bồi thường nhằm giảm đến mức tối thiểu khiếu nại, khiếu kiện thì phải giải quyết được hai vấn.

Thứ nhất, phải bổ sung nguyên tắc “công khai, minh bạch” trong các nguyên tắc định giá đất. Hiện nay trong Luật đất đai năm 2013 và Dự thảo sửa đổi Luật đất đai đều không ghi nhận nguyên tắc này.

Thứ hai, phải nhìn nhận thẳng thắn rằng việc định giá đất là vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ. Vì vậy, việc sửa đổi quy trình định giá đất phải qua hai bước.

Bước đầu tiên là bước chuyên môn - là các tổ chức định giá mà phái người dân và phía nhà nước đều có quyền thuê một tổ chức định giá cho mỗi bên.

Bước thứ hai là hành chính do UBND cấp tỉnh phê duyệt giá đất. Cả hai bước trên được tiến hành công khai, minh bạch, được phát trực tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có đất bị thu hồi và những người có liên quan giám sát.

Theo pháp luật hiện hành và dự thảo, việc định giá đất được thực hiện qua hai bước nhưng đều là các bước hành chính. Bước một là Hội đồng thẩm định giá đất do Chủ tịch UBND cấp tỉnh chủ trì, các sở ngành có liên quan và UBND cấp huyện nơi có đất. Bước hai là UBND cấp tỉnh phê duyệt giá đất.

"Điều này là bất hợp lý, thừa thải vì Chủ tịch UBND đều là người đứng đầu trong cả hai bước đưa quyết định; vì vậy, các bước này mang tính hình thức, không có ý nghĩa thực tế" - ông Hiền cho biết.

Nhìn từ Nghị quyết số 18-NQ/TW thì “hài hòa lợi ích” và “công bằng xã hội” sẽ là những mục tiêu trọng tâm trong sửa đổi Luật Đất đai vào năm 2023, đặc biệt là trong chính sách thu hồi đất để thực hiện dự án.

Mặt khác, cần phát huy vai trò giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước và quy định vai trò quyết định của cơ quan tòa án trong việc xác định lại giá đất, bảo đảm việc xác định giá trị thiệt hại của người dân được khách quan, công bằng, tương xứng.

Về vấn đề này, PGS-TS Phan Trung Hiền cho rằng phải xây dựng cơ chế để thị trường “lên tiếng về giá đất” mà không phải là ý chí chủ quan của cơ quan hành chính nhà nước; thị trường chỉ “lên tiếng” khi có cơ chế cơ quan chuyên môn là thành phần chủ đạo quyết định giá đất thay vì cơ chế hành chính như hiện nay.

Ngoài ra, để đảm bảo hài hòa lợi ích đã nêu trong Nghị quyết số 18-NQ/TW, PGS-TS Phan Trung Hiền cho biết cần phải đảm bảo các yêu cầu sau:

Một là, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại Điều 86 Dự thảo theo hướng phân biệt giữa loại dự án không có mục tiêu lợi nhuận và loại dự án có mục tiêu lợi nhuận được giới hạn.

Hai là, cần xác định bồi thường theo nguyên tắc xác định thiệt hại. Tất cả các thiệt hại phải được quy về bồi thường. Hỗ trợ chỉ áp dụng cho những trường hợp không đủ điều kiện bồi thường, đối tượng chính sách có đất bị thu hồi hoặc nguồn tài trợ từ doanh nghiệp thu hồi đất, có thiện ý “hỗ trợ” thêm cho người dân. Mặt khác, cần cụ thể hóa các quy định rang buộc về thời điểm thực hiện tái định cư.

Điều này, giúp cơ quan lập pháp và hành pháp đánh giá toàn diện những thiệt hại của người có đất bị thu hồi; từ đó mà xây dựng và thực thi các quy định công bằng hơn, khách quan hơn, dân chủ hơn. Điều này cũng đúng với yêu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TW là “tạo sự bình đẳng hơn giữa các chủ thể sử dụng đất”.

Ba là, bổ sung nguyên tắc “công khai, minh bạch” trong việc xác định giá đất tại Điều 163 Dự thảo. Mặt khác, cần phát huy vai trò giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước và quy định vai trò quyết định của cơ quan tòa án trong việc xác định lại giá đất, bảo đảm việc xác định giá trị thiệt hại của người dân được khách quan, công bằng, tương xứng.

Hoài Phong

Bài liên quan

Cùng chuyên mục