Sẵn sàng cho kế hoạch phục hồi kinh tế

Dự thảo Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2022-2023 nếu đưa vào triển khai sẽ góp phần quan trọng để kinh tế Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng 6-6,5% năm 2022.

Chuẩn bị nguồn lực chương trình phục hồi kinh tế

Một thông tin quan trọng vừa được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ. Đó là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành Dự thảo Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023, trình Chính phủ cho ý kiến và đang tiếp tục hoàn thiện để triển khai các bước tiếp theo, bao gồm trình Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương, đường hướng và trình Quốc hội để xem xét thông qua các giải pháp, cơ chế chính sách, đặc biệt là các giải pháp, chính sách liên quan đến tài khóa và tiền tệ thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Theo dự kiến, tháng 12 tới, Quốc hội sẽ có phiên họp chuyên đề để thảo luận và thông qua một số vấn đề mang tính cấp bách cho quốc kế dân sinh. Và như thông tin từ Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội sẽ không xem xét chương trình tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội, mà chỉ xem xét quyết định gói chính sách tài khóa và tiền tệ đối với chương trình này.

Trên thực tế, đây là vấn đề rất quan trọng, bởi ngay từ khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, một trong những câu hỏi đầu tiên luôn được đặt ra là lấy nguồn lực đâu để thực hiện? Ngay từ đầu, như khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đây phải là một chương trình tổng thể với nguồn lực đủ lớn và thời gian phù hợp.

Cho tới thời điểm này, quy mô của Chương trình chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, các đề xuất của các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, quy mô của gói hỗ trợ phải rất lớn.

“Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 là 6-6,5%. Đây là bước nhảy vọt 4% trên mức ‘nền’ thấp của năm 2021. Vì vậy, để tăng trưởng đột phá, gói hỗ trợ cũng phải ở mức đột phá”, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói.

Còn đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân, khi phát biểu tại nghị trường Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XV đã đề xuất nên dành khoảng 4% GDP để hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong khi đó, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan này đang tính toán công cụ tài khóa để thực hiện cho chương trình phục hồi, phát triển kinh tế. Theo đó, Bộ Tài chính đang tính phương án phát hành trái phiếu chính phủ và công trái ngoại tệ để huy động khoảng 180.000 tỷ đồng tiền trong dân trong 2 năm.

Không những vậy, theo chia sẻ của Thứ trưởng Trần Quốc Phương, không chỉ là chính sách tài khóa hay tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất 5 nhóm chính sách trong một chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế - xã hội.

Trong đó, chính sách đầu tiên là về phòng, chống dịch bệnh và y tế. Ngay cả nhóm chính sách này cũng sẽ bao gồm cả chính sách trong ngắn hạn và dài hạn, như chuẩn bị cơ sở y tế, trang thiết bị, máy móc, đào tạo nguồn nhân lực.

Nhóm giải pháp thứ hai là an sinh xã hội. Nhóm giải pháp thứ ba là hỗ trợ doanh nghiệp. Nhóm giải pháp thứ tư là kích cầu đầu tư công. Nhóm thứ năm là về quản lý điều hành, đảm bảo cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định và kiểm soát rủi ro. Thực hiện các nhóm chính sách này, ngoại trừ nhóm thứ năm, đều cần nguồn lực lớn để thực hiện.

Vì vậy, việc Quốc hội vào tháng 12 tới sẽ xem xét các cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu mọi việc thuận lợi, thì có thể bắt đầu triển khai các kế hoạch cho phục hồi kinh tế ngay từ đầu năm 2022.

Doanh nghiệp sẵn sàng cho thời khắc “mở cửa”Doanh nghiệp sẵn sàng cho thời khắc “mở cửa”

Giải pháp “cộng thêm” và mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2022

Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội là rất quan trọng, song theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, đây chỉ là giải pháp “cộng thêm”. Bởi thực tế, cùng với việc trình Quốc hội thông qua Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, với mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%, Chính phủ cũng đã đề xuất 12 nhóm giải pháp để thực hiện các mục tiêu này.

“Để hoàn thành Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, phải thực hiện quyết liệt và hiệu quả 12 nhóm giải pháp đã được Quốc hội thông qua. Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội là giải pháp cộng thêm, nhằm tăng thêm hiệu ứng, giúp nền kinh tế phục hồi nhanh hơn, mạnh hơn, hiệu quả hơn”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Thông tin cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chuẩn bị xây dựng Dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ, để Thủ tướng Chính phủ có thể sớm ký ban hành vào những ngày đầu năm 2022. Khi các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội năm 2022 được ban hành sẽ tạo nền tảng quan trọng để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, nhằm đưa nền kinh tế sớm về đích kế hoạch 2022.

“Có nhiều người hỏi, động lực cho tăng trưởng kinh tế 2022 là gì, thì câu trả lời là không thể chỉ một động lực duy nhất có thể vực dậy nền kinh tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói và cho rằng, sản xuất công nghiệp, dịch vụ, hay sản xuất nông nghiệp… đều là những động lực quan trọng của nền kinh tế.

“Du lịch trước đây tăng trưởng 6%/năm, nhưng nay tăng trưởng âm. Nếu động lực dịch vụ này quay trở lại, thì chúng ta có thể yên tâm hơn về tăng trưởng kinh tế trong năm 2022. Dịch vụ hồi phục, thì sản xuất cũng sẽ tốt hơn”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Ông cũng đồng thời nhấn mạnh vai trò của sức cầu nền kinh tế, bởi khi cầu nền kinh tế quay trở lại sẽ tác động tích cực tới khu vực sản xuất và dịch vụ.

Để kinh tế phục hồi, các giải pháp kích cầu tiêu dùng và đầu tư đã được các chuyên gia đề xuất. Trong các giải pháp tổng thể phục hồi kinh tế, kích cầu đầu tư công cũng đã được nhấn mạnh. Quan trọng hơn, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, giải pháp này có ý nghĩa “kép”, tức là vừa kích thích chi tiêu đầu tư công tức thời trong gian đoạn ngắn để kích thích tăng trưởng, vừa có ý nghĩa lâu dài là tạo ra các kết cấu hạ tầng, tạo nền tảng cho tăng trưởng và phát triển giai đoạn sau.

Thông tin cho biết, dự kiến, Kỳ họp chuyên đề của Quốc hội cũng sẽ xem xét Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 luật; Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư; Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ.

Đây cũng chính là các giải pháp “cộng thêm” quan trọng, sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế không chỉ trong ngắn hạn, mà cả trong trung và dài hạn.

 Hà Nguyễn

Bài liên quan

Cùng chuyên mục