Sau 7 ngày tạm dừng, Trung Quốc thông quan trở lại với thanh long Việt Nam

Sau 7 ngày tạm dừng thông quan nhập khẩu đối với mặt hàng thanh long của Việt Nam qua khu vực cầu phao tạm Đông Hưng, hiện phía Trung Quốc đã cho thông quan trở lại với mặt hàng này từ ngày 22/9.

Bà Nguyễn Thị Hiền - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh - cho biết phía chính quyền Đông Hưng (Trung Quốc) đã cho thông quan nhập khẩu trở lại đối với mặt hàng thanh long của Việt Nam sau 7 ngày tạm dừng.

Trong ngày 22/9, một số xe đã được thông quan xuất khẩu sang Trung Quốc với sản lượng mỗi xe khoảng 22 tấn. Sáng 23.9, phía Trung Quốc tiếp tục tiến hành thủ tục nhập khẩu cho các xe.

Trước đó, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh cho biết chính quyền Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc thông báo tạm dừng thông quan nhập khẩu đối với mặt hàng thanh long của Việt Nam qua khu vực cầu phao tạm Đông Hưng.

Chính quyền Đông Hưng, Quảng Tây (Trung Quốc) đã cho thông quan nhập khẩu trở lại đối với mặt hàng thanh long của Việt Nam. Ảnh: Bộ Công ThươngChính quyền Đông Hưng, Quảng Tây (Trung Quốc) đã cho thông quan nhập khẩu trở lại đối với mặt hàng thanh long của Việt Nam

Thời gian là 7 ngày, từ ngày 15.9 đến 21.9 do phát hiện virus Sars-CoV-2 trên bao bì bọc quả thanh long và thùng carton đựng thanh long nhập khẩu từ Việt Nam.

Trao đổi với Lao Động, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định, đến thời điểm này, chưa có một tổ chức nào trên thế giới công bố kết quả khoa học chứng minh virus SARS-CoV-2 lây nhiễm trên hàng hoá, trên thành ôtô hay bao bì sản phẩm

Tính đến hiện tại, ông Trung cho biết, mặt hàng thanh long của Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 1,7 triệu tấn. Trước đó, cả năm 2020, tổng khối lượng xuất khẩu mặt hàng này là 1,92 triệu tấn.

Bộ Công Thương cũng đã đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long chủ động theo dõi, cập nhật thông tin và trao đổi với đối tác Trung Quốc để thay đổi địa điểm giao nhận hàng phù hợp.

Đồng thời, các tỉnh, doanh nghiệp cần học tập kinh nghiệm của Bắc Giang, chủ động kiểm tra, rà soát quy trình thu hoạch, đóng gói, chế biến và vận chuyển nông sản, nhất là trái cây, để giúp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh dịch COVID-19.

 Cường Ngô

Bài liên quan

Cùng chuyên mục