Tái đề xuất bảo hiểm COVID-19

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Chính phủ cho phép thực hiện bảo hiểm COVI D-19 với người đi lao động nước ngoài, do người lao động khi ra nước ngoài làm việc phải cách ly 14 ngày, thời gian này chưa có thu nhập, nếu mắc COVID-19 sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, các bộ ngành vẫn còn ý kiến khác nhau về đề xuất này.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hiện lao động Việt Nam được đưa đi làm việc theo diện hợp đồng lao động tại 16 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, phía Hàn Quốc yêu cầu người lao động nước ngoài sang nước này làm việc phải được mua bảo hiểm COVID-19.

Do đó, bộ này kiến nghị Chính phủ cho triển khai thí điểm bảo hiểm COVID-19 theo hình thức thương mại với người lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc (theo chương trình EPS), và các quốc gia khác khi có yêu cầu. Bảo hiểm này không áp dụng với tất cả công dân Việt Nam.

Thời gian bảo hiểm bằng thời gian người lao động phải cách ly sau khi nhập cảnh ở nước ngoài (với Hàn Quốc là cách ly 14 ngày). Bảo hiểm chi trả chi phí điều trị nếu người lao động nhiễm COVID-19 khi ở nước ngoài.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện Chính phủ Hàn Quốc yêu cầu tất cả lao động nước ngoài muốn được nhập cảnh vào nước này phải có bảo hiểm COVID-19.

Chi phí điều trị khi người lao động mắc COVID-19 ở nước ngoài thường rất cao, như tại Hàn Quốc chi phí này vào khoảng 2.000 - 8.000 USD/người (tùy mức độ nhiễm bệnh). Trong khi người lao động mới sang, chưa có thu nhập.

Hiện có khoảng 5.000 lao động Việt Nam đã được chủ sử dụng lao động phía Hàn Quốc ký hợp đồng đang chờ xuất cảnh, trong khi nước bạn yêu cầu tất cả lao động nước ngoài muốn được nhập cảnh vào nước này phải có bảo hiểm COVID-19. Do đó, cần sớm đáp ứng các điều kiện của nước bạn để đưa người lao động Việt Nam đi làm việc, đảm bảo việc làm, có thu nhập.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Góp ý cho đề xuất trên bảo hiểm COVID-19, Tổng cục Du lịch (Bộ VH, TT&DL) cho rằng, có thể nghiên cứu triển khai bảo hiểm COVID-19 với khách du lịch quốc tế tới Việt Nam và khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài, tương tự các loại hình bảo hiểm du lịch khác, khi thị trường du lịch mở cửa trở lại.

Bộ Y tế không đồng ý với hình thức bảo hiểm COVID-19 thương mại với người trong nước, do hiện các chính sách với người mắc COVID-19 đã được ngân sách nhà nước, hoặc quỹ BHYT chi trả, người dân được tiêm vắc-xin COVID-19 miễn phí...

Về phía Bộ Tài chính, cơ quan này cho rằng, hiện pháp luật về bảo hiểm không hạn chế với bảo hiểm sức khỏe, trong đó có cả sản phẩm cho dịch COVID-19, với điều kiện được bộ này phê duyệt.

Do đó, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án. Phương án 1, chưa cho phép doanh nghiệp bán bảo hiểm COVID-19. Bộ này đánh giá, quy định này phù hợp với yêu cầu của Chính phủ là không triển khai sản phẩm bảo hiểm liên quan tới dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay. Các bộ ngành cũng thống nhất với phương án này.

Với phương án 2, giai đoạn hiện nay cho phép doanh nghiệp bán bảo hiểm COVID-19 với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Giải pháp này sẽ hỗ trợ người lao động giảm rủi ro và chi phí nếu mắc COVID-19 sau khi nhập cảnh nước ngoài. Người được mua bảo hiểm COVID-19 chỉ giới hạn với người đi xuất khẩu lao động. Nếu thí điểm với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc chỉ khoảng 5.000 người, không đảm bảo nguyên tắc số đông bù số ít trong bảo hiểm.

Do đó, Bộ Tài chính ưu tiên lựa chọn phương án 1 (chưa áp dụng loại hình bảo hiểm COVID-19). Thay vào đó, Bộ LĐ-TB&XH có thể nghiên cứu giải pháp phù hợp cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên cơ sở nghiên cứu hình thức “hộ chiếu vắc-xin”, Hiệp định tương hỗ...

Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Y tế bổ sung ưu tiên tiêm vắc-xin COVID-19 với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời làm việc với các nước để công nhận “hộ chiếu vắc-xin”.

 Hữu Việt

Bài liên quan

Cùng chuyên mục