Thu phí khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư

Tại Thông tư 48/2022/TT-BTC có hiệu lực từ 17/9, Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.

Theo đó, từ ngày 17/9/2022 đến hết năm 2023, Bộ Tài chính áp dụng mức thu bằng 50% mức phí xác thực thông tin công dân, khai thác kết quả thông tin bao gồm: xác thực thông tin công dân bằng tin nhắn SMS, văn bản điện tử, văn bản giấy (sản phẩm SPDC01); tin nhắn SMS trả lời kết quản thông tin đề nghị khai thác (sản phẩm SPDC02); văn bản điện tử trả lời kết quả thông tin đề nghị khai thác qua cổng dịch vụ công (sản phẩm SPDC03); văn bản điện tử trả lời kết quả thông tin đề nghị khai thác qua ứng dụng phần mềm (sản phẩm SPDC04); văn bản giấy trả lời kết quả thông tin đề nghị cung cấp (sản phẩm SPDC05).

Từ ngày 1/1/2024 trở đi, mức phí xác thực thông tin công dân, khai thác kết quả thông tin là 1.000 đồng/trường thông tin.

Đối tượng nộp phí là cơ quan, tổ chức, cá nhân được sự đồng ý của cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, trừ trường hợp sau: Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; công dân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.

Như vậy, người dân khi khai thác thông tin cá nhân của bản thân sẽ không phải đóng phí.

Về kê khai, nộp phí, chậm nhất là ngày 5 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước.

Tổ chức thu phí thực hiện kê khai, nộp phí theo tháng và quyết toán năm theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.

Tổ chức thu phí được trích lại 30% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí và nộp 70% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước (ngân sách Trung ương) theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

Thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm những gì?

Theo Điều 9 Luật Căn cước công dân 2014 (sửa đổi, bổ sung bởi Điều 37 Luật Cư trú) quy định về nội dung thông tin công dân được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, thông tin công dân gồm: họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; tình trạng hôn nhân; nơi thường trú; nơi tạm trú; tình trạng khai báo tạm vắng; nơi ở hiện tại; quan hệ với chủ hộ.

Ngoài ra, thông tin công dân còn có thông tin về nhóm máu khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó; họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp; họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ và các thành viên hộ gia đình; ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.

H.A

Bài liên quan

Cùng chuyên mục