Xây dựng và phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên

Thái Nguyên tự hào là vùng đất “đệ nhất danh trà”; Nhắc đến trà Việt người ta nghĩ ngay đến chè Thái Nguyên với vị thơm ngon đặc trưng riêng biệt gắn bó mật thiết với cuộc sống hàng ngày của con người. Ngoài việc đem lại giá trị kinh tế to lớn, còn mang đậm nét bản sắc văn hóa truyền thống và tiềm năng phát triển du lịch.

Thái Nguyên là vùng chè trọng điểm của cả nước với diện tích trồng chè trên 23.000 ha đứng đầu cả nước. Sản lượng hàng năm trên 210.000 tấn chè búp tươi. Toàn tỉnh đã phát triển trên 30 mô hình trồng chè theo qui trình VietGap, 1 mô hình UTZ, 1 mô hình Biocert International  chủ yếu là của các HTX và các hội viên làng nghề.

Năm 2020 tỉnh đã xét công nhận 30 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu,  trong đó có 10 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực. Sản phẩm chè Thái Nguyên rất đa dạng về hình thức, mẫu mã, bao bì đóng gói, chất lượng thơm ngon hàng đầu Việt Nam. Tỉnh đã có các chính sách hỗ trợ người trồng và chế biến chè bằng nguồn kinh phí khuyến nông, khuyến công, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư để làm ra sản phẩm chè sạch và an toàn.

Trong chuỗi giá trị phát triển sản phẩm chè của Thái Nguyên từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, phân phối sản phẩm ra thị trường. Thái Nguyên đã quan tâm tạo dựng hình ảnh và danh tiếng cho thương hiệu “chè Thái Nguyên” trong nước và quốc tế.

Đến nay Thái Nguyên đã được cấp 21 nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý bởi Cục Sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của tỉnh trong đó có 9 nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý cấp cho chè cụ thể: Năm 2006 cấp nhãn hiệu tập thể “chè Thái Nguyên”, năm 2007 cấp chỉ dẫn địa lý “chè Tân Cương”, năm 2009 cấp nhãn hiệu tập thể “chè La Bằng” “chè Trại Cài”, năm 2010 cấp nhãn hiệu tập thể “chè Vô Tranh” “chè Phổ Yên”, năm 2015 cấp nhãn hiệu tập thể “chè Tức Tranh”, năm 2017 cấp đăng ký nhãn hiệu “chè Xóm 5” thị trấn Sông Cầu; năm 2019 cấp nhãn hiệu tập thể “ chè Đại Từ”.

Riêng nhãn hiệu tập thể “chè Thái Nguyên” năm 2014 đã được bảo hộ tại 3 nước là Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), góp phần đưa chè Thái Nguyên thành một thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam.

Năm 2017 Thái Nguyên vinh dự có 2 sản phẩm chè Tuyết Hương và Chè La Bằng được Chính phủ chọn làm quà tặng hội nghị APEC 2017 tại Đà Nẵng).

Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm chè Thái Nguyên đã nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và giá trị kinh tế tăng từ 30-50% so với trước khi được bảo hộ góp phần ngăn chặn nạn hàng giả hàng nhái nhãn mác trên thị trường.

Tuy nhiên việc xây dựng và phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên còn tồn tại một số vấn đề như: Quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên còn lúng túng; Việc thực thi chưa tốt, vẫn còn hiện tượng mượn danh chè Thái Nguyên để lưu hành trên thị trường những sản phẩm không phải xuất xứ từ Thái Nguyên; Việc ghi nhãn hàng hóa đối với sản phẩm chè Thái Nguyên chưa đầy đủ, chưa theo một chuẩn mực thống nhất; Việc đăng ký sử dụng, duy trì mã số mã vạch và mã QR code để hình thành bộ ba bảo hộ sở hữu trí tuệ và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ chưa được các doanh nghiệp chú trọng đúng mức; Các hoạt động thực thi quyền Sở hữu trí tuệ và thương mại hóa sản phẩm chè Thái Nguyên chưa được quan tâm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Đây là những vấn đề mà các nhà quản lý, các doanh nghiệp cần phải sớm có những biện pháp, hành động khắc phục để phát triển nghề trồng và chế biến chè bền vững ở Thái Nguyên.

BÙI QUANG HUÂN

Cùng chuyên mục