Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa Hà Đông (Hà Nội) vừa tiếp nhận và điều trị thành công cho một bệnh nhân bị ngộ độc chì mạn tính do dùng thuốc nam.
Bệnh nhân nữ, 32 tuổi, tiền sử chưa phát hiện bệnh lý trước đó. Khoảng 5 tháng nay, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, chóng mặt, đau bụng thượng vị từng cơn, đặc biệt hay đau ban đêm, ăn uống kém, có lúc buồn nôn và nôn.
Bệnh nhân đã đi khám tại một số cơ sở y tế được chẩn đoán viêm dạ dày, cho đơn thuốc ngoại trú về uống nhưng không đỡ. Bệnh nhân nhập Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa Hà Đông trong tình trạng da niêm mạc nhợt, đau bụng thượng vị nhiều, buồn nôn, nôn ra dịch dạ dày.
Qua thăm khám và khai thác kĩ tiền sử, bệnh nhân có dùng rất nhiều loại thuốc nam, thuốc bắc khác nhau với mục đích cho "khỏe". Bệnh nhân được làm các xét nghiệm, nội soi dạ dày có hình ảnh viêm trợt dạ dày, nội soi đại tràng bình thường, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng chưa phát hiện bất thường.
Ảnh minh họa
Xét nghiệm máu có tình trạng thiếu máu mức độ nhẹ, xét nghiệm huyết đồ: xuất hiện hình ảnh hồng cầu chấm bazo. Đây là hình ảnh đặc trưng trong một số bệnh như thalassemia, ngộ độc kim loại nặng, đặc biệt là ngộ độc chì.
Kết hợp tiền sử, tình trạng huyết đồ và tính chất cơn đau bụng của bệnh nhân, bác sĩ chẩn đoán đây có thể là trường hợp ngộ độc chì mạn tính, dẫn đến tình trạng thiếu máu và cơn đau bụng "chì".
Bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm đo nồng độ chì trong máu, kết quả xét nghiệm nồng độ chì trong máu là 63,1 micogam/dl (bình thường <10 micogam/dl). Bệnh nhân được chẩn đoán: Ngộ độc chì mạn tính/viêm dạ dày và đang được điều trị theo phác đồ, bệnh tiến triển tốt lên.
Theo ThS.BS Vũ Xuân Diệu, bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, chì là kim loại nặng có màu trắng xanh, không có vai trò có lợi về sinh lý đối với cơ thể. Nguyên nhân ngộ độc chì thường do sử dụng thuốc cam, thuốc sài không rõ nguồn gốc, môi trường nghề nghiệp, thực phẩm...
Về triệu chứng lâm sàng, tùy thuộc vào ngộ độc chì cấp hay mạn tính. Đối với ngộ độc chì cấp tính, các triệu chứng rầm rộ và nặng với các dấu hiệu thần kinh (kích thích, nôn mửa, thậm chí hôn mê...), bệnh lý tiêu hóa (nôn, cơn đau bụng chì), bệnh lý thận... Còn ngộ độc chì mạn tính, các triệu chứng nhẹ hơn và không điển hình, hoặc không có triệu chứng, đôi khi dễ nhầm với các bệnh lý tiêu hóa khác để chẩn đoán phải xét nghiệm nồng độ chì trong máu.
Về điều trị, tùy mức độ bệnh, mức độ nặng sẽ có điều trị hồi sức, điều trị đặc hiệu (thuốc gắp chì) còn mức độ nhẹ sẽ được điều trị triệu chứng và theo dõi nồng độ chì trong máu và đặc biệt phải xác định được nguyên nhân gây tình trạng nhiễm độc để khắc phục.
Bác sĩ Diệu khuyến cáo: Người dân không nên dùng các thuốc cam, thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc, đồng thời các cơ quan chức năng thường xuyên rà soát về nguồn nước, đất, môi trường làm việc đảm bảo an toàn cho người lao động và người dân, tránh bị nhiễm độc chì gây ra các hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.
Đào Hiền