Các địa phương tiếp tục áp dụng lệnh giãn cách xã hội khiến đầu ra của nông sản ách tắc. Nhiều loại nông sản vừa bước vào vụ đã rớt giá; một số nơi, nông dân không dám thu hoạch vì lo lỗ thêm.
Hàng nghìn tấn nông sản như nhãn, vải, na… ở các tỉnh Bắc Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Lào Cai… đang đến vụ thu hoạch. Tuy nhiên, các địa phương tiếp tục áp dụng lệnh giãn cách xã hội khiến đầu ra của nông sản ách tắc. Nhiều loại nông sản vừa bước vào vụ đã rớt giá; một số nơi, nông dân không dám thu hoạch vì lo lỗ thêm.
Giá nông sản rớt “thảm”
Tại Bắc Giang, dịch COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, nhiều xe chở nông sản của tỉnh vận chuyển đi tiêu thụ ở tỉnh khác không còn được như trước, khiến người dân không khỏi lo lắng.
Anh Nguyễn Tiến Dũng (một tiểu thương ở Yên Dũng, Bắc Giang) cho biết, trong ngày 27/7 vừa qua, lái xe của công ty dù đã xét nghiệm âm tính SARS - CoV2 nhưng khi đến địa bàn Hà Nội phải quay đầu xe, do lực lượng chức năng yêu cầu giấy xét nghiệm có hiệu lực trong 3 ngày.
“Nếu chờ làm xét nghiệm tiếp sẽ kéo dài thời gian khiến na bị hỏng, nên công ty chấp nhận chở 2 xe na về bán trong tỉnh. Giá na nếu tiêu thụ ở Hà Nội là 45-50 nghìn đồng/kg, nhưng khi về ở Bắc Giang chỉ còn 25-30 nghìn đồng/kg. Tính ra lỗ nặng”, anh Dũng nói.
Theo ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Bắc Giang cho biết, hiện tại, tỉnh này có khoảng 3,2 nghìn ha nhãn, với sản lượng ước đạt hơn 20 nghìn tấn và khoảng 15 nghìn tấn na. Thời gian thu hoạch các loại quả này tập trung từ cuối tháng 7 đến hết tháng 9.
Bên cạnh đó, đàn lợn trên địa bàn tỉnh với hơn 940 nghìn con, đàn gia cầm 20,8 triệu con… cũng đang trong giai đoạn xuất chuồng.
Theo ông Thành, với thị trường nội tỉnh, việc tiêu thụ tương đối thuận lợi.
Tuy nhiên, trong tình hình các địa phương đều siết chặt kiểm soát dịch COVID-19, nông sản Bắc Giang vận chuyển sang các tỉnh, thành phố khác gặp không ít trở ngại. Nhiều thương nhân ở Thái Nguyên, Hà Nội, Lạng Sơn…vì lo phải cách ly nên không đến thu mua như trước.
Tại Sapa (Lào Cai), nơi được mệnh danh là “thủ phủ rau ôn đới”, người dân cũng đang thấp thỏm không yên khi hàng trăm ha rau, hoa đến vụ thu hoạch nhưng giá rớt thảm. Các hộ gia đình phải chạy tìm đầu ra. Chưa bao giờ nông dân ở Sa Pa, bị lâm vào cảnh chật vật như hiện nay.
Ông Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Sapa cho biết, Sa Pa có khoảng 170 ha su su với sản lượng 8.000-9.000 tấn. Trước đây, thị trường chính là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội.
Tuy nhiên, vừa qua những địa phương này đều là vùng dịch bệnh nên nhu cầu của các siêu thị, khu công nghiệp, bếp ăn giảm mạnh. Giá su su đang rớt từ 12 đến15 nghìn đồng/kg xuống chỉ còn 5-7 nghìn đồng/kg.
Nông dân ở Sơn La tỏ ra lo lắng trước việc nhãn đến vụ thu hoạch nhưng bí đầu ra
Các loại nông sản như mận giá giảm từ 70 nghìn đồng/kg xuống còn 30 nghìn đồng/kg; cá nước lạnh sản lượng 560 nghìn tấn giá giảm từ 200 nghìn đồng/kg xuống còn 120 nghìn đồng/kg. Không chỉ nông sản, giá bán của các loại hoa cũng giảm mạnh.
Tại Sơn La, hơn 68 nghìn tấn mận, 71 nghìn tấn xoài, 100 nghìn tấn nhãn…đang bước vào vụ thu hoạch nhưng lượng tiêu thụ đang khá chậm. Một số nơi ở Tuyên Quang, nông dân còn không thu hoạch nhãn do sợ phát sinh thêm chi phí, dẫn tới thua lỗ.
Dễ đứt gãy chuỗi cung ứng cục bộ
Trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trước tình hình đầu ra của nông sản ở các tỉnh phía Bắc gặp nhiều khó khăn, Bộ NN&PTNT vừa lập tổ công tác đặc biệt tháo gỡ những vướng mắc tại những tỉnh này (từ Thừa Thiên Huế trở ra).
Theo ông Tiến, nhiều tỉnh, thành phố vừa kéo dài thời gian giãn cách xã hội khiến nguy cơ đứt gãy những chuỗi sản xuất nông sản rất dễ xảy ra nếu không có những giải pháp kịp thời. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần thống nhất kiểm tra, kiểm soát lưu thông hàng hóa để khâu vận chuyển tiêu thụ nông sản diễn ra thông suốt.
“Một trong những giải pháp cấp bách hiện nay để duy trì đà tăng trưởng. Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN&PTNT sẽ yêu cầu các địa phương đánh giá tình hình cụ thể và cần hỗ trợ ra sao.
Trước mắt, sẽ lập những đầu mối, doanh nghiệp có nhu cầu tiêu thụ nông sản để kết nối với nguồn cung. Từ đó, tùy thuộc vào tình hình tại địa phương sẽ có những chỉ đạo, phương án chi tiết”, Thứ trưởng Tiến nói đồng thời cho biết thêm: Ở khu vực phía Bắc, Hà Nội là địa phương tiêu thụ nông sản lớn nhất vùng.
Do vậy, sau khi được thành lập, Tổ công tác ngay lập tức làm việc với UBND TP Hà Nội đề xuất phương án thành lập các địa điểm trung chuyển nông sản giữa Hà Nội với các địa phương…, nhằm tránh tình trạng nông sản ùn ứ tại nơi sản xuất, trong khi nơi tiêu thụ lại thiếu hàng.
Đối với xuất khẩu, theo thứ trưởng Tiến, Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, và tháo gỡ những ách tắc tại các cửa khẩu xuất sang Trung Quốc; đồng thời khuyến cáo người dân tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp tục khai thác lợi thế của sàn thương mại điện tử, quảng bá, mở rộng thị trường cho nông sản.
Dương Hưng