Sứa biển Cô Tô (Quảng Ninh) là mặt hàng xuất khẩu đem lại thu nhập cao, công việc cho hàng trăm lao động ở Cô Tô. Thế nhưng nay vựa "vàng trắng" ở Cô Tô này đang gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
"Vàng trắng" ở Cô Tô.
Mùa sứa ở Cô Tô bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 4 dương lịch hàng năm. Toàn huyện Cô Tô hiện có 33 xưởng chế biến sứa. Trung bình các xưởng chế biến thu mua 1.000-1.500 con/ngày (khoảng 25 - 35 tấn). Vào mỗi vụ sứa, huyện đảo đón khoảng 2.000 lao động từ các nơi, mỗi cơ sở giải quyết việc làm thời vụ cho từ 20 - 30 lao động, thu nhập tháng cao điểm lên đến 15 triệu đồng/người/tháng.
Vào những năm được mùa, giá mỗi thùng sứa từ 200.000-300.000 thùng (7- 10 kg/thùng). Riêng sứa đỏ có giá từ 1- 2 triệu đồng/thùng. Việc khai thác và chế biến sứa đã mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế thủy sản của huyện Cô Tô, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế, giúp các hộ vươn lên làm giàu.
Sản lượng chế biến sứa biển trong 5 năm gần đây từ 100.000- 300.000 thùng/năm. Doanh thu hàng năm đạt khoảng 80-100 tỷ đồng (chiếm 80% tổng giá trị các mặt hàng thủy sản). Sứa thực sự đã trở thành mỏ “vàng trắng” của dân đảo Cô Tô. Nhưng đó chỉ là những dấu mốc vàng son của những năm trước, nay chế biến sứa tại Cô Tô đang loay hoay đi tìm lời giải cho bài toán đầu ra.
Trước năm 2018, sứa là lộc trời, là hi vọng thoát nghèo, làm giàu của người dân Cô Tô. Nhưng 2 năm trở lại đây, tình hình tiêu thụ giảm sút. Sứa thành phẩm sau khi chế biến không xuất khẩu được. Có những chuyến hàng chờ xuất, thủ tục, vận chuyển, lưu kho bãi, bảo quản cả tháng trời, gây thiệt hại nặng.
Theo thống kê, hiện lượng sứa thành phẩm lưu kho ở Cô Tô tới hơn 150.000 thùng. Hộ kinh doanh gặp khó khăn trong việc trang trải chi phí phát sinh như điện, nước, thuê nhà xưởng và chi phí nhân công.
Do chính sách biên mậu của Trung Quốc (thị trường lớn của sứa Cô Tô) thay đổi, siết chặt lại quy định kiểm soát nhập khẩu, tăng cường thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc, xuất xứ; vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo quản, đóng gói hàng hóa… Đây có lẽ là lí do ngành chế biến sứa Cô Tô đang lao đao.
Huyện Cô Tô cũng đang tích cực vào cuộc giải quyết, tháo gỡ. Trước hết, huyện đang tích cực, chủ động làm việc với các tổ chức tín dụng xem xét hoãn, giãn các khoản vay; mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, tổ chức hội nghị kết nối giao thương cung cầu giữa doanh nghiệp phân phối trong và ngoài tỉnh.
Đồng thời, hướng dẫn người dân quy định của thị trường Trung Quốc đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu, hướng dẫn hoàn thiện các quy trình kỹ thuật, hồ sơ... để cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm, tem nhãn mác xuất xứ, nguồn gốc đảm bảo các tiêu chí tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu vào nhiều nước khác, tránh phụ thuộc vào một thị trường. Khuyến khích các mô hình liên kết chuỗi từ khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thông qua các hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước có đủ năng lực và điều kiện xuất khẩu để tiêu thụ sản phẩm. Hiện huyện cũng báo cáo tỉnh để đề xuất hỗ trợ lên bộ, ngành liên quan để tháo gỡ.
Được biết, các doanh nghiệp ở Cô Tô cũng chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật chế biến sản phẩm sứa ăn liền phục vụ nội địa, đưa sản phẩm vào thực đơn để phục vụ cho nhân dân, du khách mỗi khi đến Cô Tô, đăng ký, đưa sản phẩm tham gia OCOP để kết nối tiêu thụ sản phẩm đối với thị trường nước ngoài, hạn chế việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
HÀ PHONG