Hàng không rõ nguồn gốc tung hoành ở Hà Nội và trách nhiệm của lực lượng QLTT

Quản lý thị trường (QLTT) là lực lượng nòng cốt trong công tác chống gian lận thương mại, kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm không nguồn gốc trong thị trường nội địa.

Tuy nhiên, để một số cơ sở kinh doanh bất chính, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc một cách công khai trong suốt thời gian dài cho thấy, đó là sự tắc trách hoặc có dấu hiệu buông lỏng ...

Những tháng cuối năm là thời điểm các đối tượng kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc mở rộng hoạt động, vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, làm xấu hình ảnh doanh nghiệp. Để ngăn chặn tình trạng này, các lực lượng chức năng, đặc biệt là cơ quan QLTT cần vào cuộc quyết liệt mới có thể ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng này.

Bếp nướng điện, bóng sưởi tắm được bày bán công khai nhưng không rõ nguồn gốc, xuất xứBếp nướng điện, bóng sưởi tắm được bày bán công khai nhưng không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Tuy nhiên, trên địa bàn phường Dương Nội, quận Hà Đông (Hà Nội), tình trạng buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm tem nhãn vẫn diễn ra một cách công khai. Đặc biệt, chỉ một đoạn đường ngắn nhưng có gần chục tổng kho kinh doanh các loại mặt hàng khác nhau như đồ gia dụng, mỹ phẩm, nước giặt, bếp từ, nồi cơm điện, thực phẩm, quần áo, đồ chơi trẻ em...

Theo ghi nhận của PV, dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao nên các tổng kho này hoạt động hết công suất. Trên các kệ, hàng hóa được xếp kín, thậm chí còn bày la liệt dưới lòng đường vì không đủ chỗ gây cản trở việc đi lại của người dân. Tại đường Chùa Võ – đoạn đường dài chưa đến một cây số nhưng tại đây có tới 4 tổng kho “án ngữ”.

Trong vai người mua hàng, PV có mặt tại tổng kho Thảo Ngát có địa chỉ 100 đường Chùa Võ. Tại đây, kinh doanh đủ các loại mặt hàng từ bếp từ, đèn sưởi nhà tắm cho đến các loại đồ dùng gia đình, mỹ phẩm, dầu gội đầu, máy sấy tóc....

Theo quan sát, trên các sản phẩm này đều ghi chữ nước ngoài nhưng không hề có nhãn phụ tiếng Việt. Khi hỏi giá của một chiếc bếp nướng điện bên ngoài có ghi chữ OSAKA thì một nhân viên bán hàng báo giá 265.000 đồng trong khi sản phẩm này ngoài thị trường được bán với gia gần 700.000 đồng. Khi PV hỏi có được bảo hành hay không thì nhân viên này trả lời rằng, hàng tổng kho không được bảo hành và người mua sẽ cắm điện thử trực tiếp tại kho.

Tương tự, ngay bên cạnh là tổng kho có địa chỉ số 98 đường Chùa Võ cũng bán một số sản phẩm không có tem nhãn phụ như dầu gội, quần tất, đồ điện.

 

Mục sở thị tại tổng kho gia dụng Huyền Công số 74 đường Chùa Võ cho thấy, hàng hóa được xếp kín trên các kệ hàng. Tại đây được bày bán nhiều loại sản phẩm như đồ gia dụng, thực phẩm đông lạnh, mỹ phẩm, máy massage, đồ điện... Trong đó, nhiều sản phẩm không có thông tin nhập khẩu, nhãn phụ tiếng Việt.

Tại một góc gần cửa ra vào, các loại thực phẩm như thịt đông lạnh, cá mực, cá hồi, ốc khêu sẵn, nem chua, bao tử cá... cất chung trong một chiếc tủ bảo ôn. Khi PV mở tủ, mùi thực phẩm tanh nồng pha lẫn mùi hăng xộc lên mũi vô cùng khó chịu. Những vỉ thịt đông lạnh được bọc bằng nilon, tuyết phủ kín, thậm chí rất khó nhận biết đó là loại thịt gì. Đáng nói là các thực phẩm đông lạnh trên không hề có thông tin về ngày giết mổ, xuất xứ cũng như hạn sử dụng.

Các tổng kho Hợp Linh số 29 đường Chùa Võ, Thanh Hoa ở khu C38-41, tổng kho gia dụng Ngọc Hân khu C38-43, tổng kho Nguyễn Dương có địa chỉ ô 14 – 15 – C16 khu đô thị Geleximco – Lê Trọng Tấn (Hà Đông) đều kinh doanh, buôn bán hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về tem nhãn.

Hàng hóa không có nhãn phụ tiếng Việt  được bày bán tại Tổng kho Thanh Hoa có địa chỉ khu C38-41 khu đô thị Geleximco – Lê TrọngHàng hóa không có nhãn phụ tiếng Việt được bày bán tại Tổng kho Thanh Hoa có địa chỉ khu C38-41 khu đô thị Geleximco – Lê Trọng Tấn

Sau khi ghi nhận thực tế, PV đã liên hệ với ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội để phản ánh tình trạng trên và mong muốn cơ quan quản lý thị trường của TP.Hà Nội xuống kiểm tra. Trao đổi qua điện thoại, ông Kiên đề nghị PV cung cấp hình ảnh và địa chỉ cụ thể rồi sẽ yêu cầu Đội QLTT số 11 phối hợp với PV kiểm tra, làm rõ.

“Em gửi hình ảnh và vị trí cụ thể nhắn cho anh, anh sẽ cho Đội Hà Đông ( Đội QLTT số 11) đi kiểm tra. Anh sẽ nhắn số Đội trưởng đội Hà Đông, có gì em liên hệ trực tiếp”, ông Kiên nói.

Tiếp đó, PV liên hệ với ông Nguyễn Minh Khoán, Đội trưởng Đội QLTT số 11 - Cục QLTT Hà Nội phản ánh về một số tổng kho trên địa bàn phường Dương Nội buôn bán hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn phụ. Trong cuộc trao đổi, PV nhiều lần đề nghị lực lượng QLTT số 11 xuống kiểm tra nhằm tránh tình trạng các cơ sở kinh doanh này tẩu tán hàng hàng hóa.

Tuy nhiên, ngay sau đề nghị của PV, ông Nguyễn Minh Khoán lập tức từ chối kiểm tra mặc dù PV đã giải thích rõ rằng, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội đề nghị PV phối hợp với Đội QLTT số 11.

Sản phẩm này cũng toàn chữ nước ngoài, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không tem nhãn phụ Tiếng Việt.Sản phẩm này cũng toàn chữ nước ngoài, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không tem nhãn phụ tiếng Việt

“Theo quy định của bọn anh, thông tin phản ánh em đều phải qua Cục hết, anh Kiên nói thế thôi nhưng em vẫn phải qua gặp anh Hùng (ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội). Các thông tin về đấy, Cục giao cho anh văn bản thì anh sẽ cho tiến hành thẩm tra, xác minh. Bọn anh không thể uỵch xuống cho kiểm tra ngay được đâu”, ông Khoán cho biết.

Phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ luôn là vấn đề nóng bỏng hiện nay. Đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp và nòng cốt nhất vẫn là lực lượng QLTT. Chỉ cần chúng ta không quyết liệt, buông lỏng, thậm chí là bao che, bảo kê thì mỗi ngày hàng triệu người tiêu dùng có nguy cơ bị tổn hại sức khỏe khi sử dụng phải hàng giả, hàng kém chất lượng...

Hiện nay, với công tác phòng chống xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ,…. thì cần có sự tham gia quản lý của cơ quan QLTT với mục đích phòng chống hàng lậu, hàng giả hàng nhái, kém chất lượng. Nếu làm tốt chức năng, nhiệm vụ đó thì người tiêu dùng không những được sử dụng những mặt hàng bảo đảm chất lượng, hàng chính hãng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng mà còn ngăn chặn các đối tượng buôn bán hàng lậu, hàng giả làm ảnh hưởng đến nền kinh tế thị trường của nước ta. 

Tại tổng kho gia dụng Huyền Công số 74 đường Chùa Võ, hàng hóa được bày la liệt dưới đường khiến gây cản trở giao thông của người dânTại tổng kho gia dụng Huyền Công số 74 đường Chùa Võ, hàng hóa được bày la liệt dưới đường gây cản trở giao thông  đối với người dân

Trở lại với câu chuyện ông Nguyễn Minh Khoán, Đội trưởng Đội QLTT số 11 từ chối kiểm tra vì lý do Cục QLTT Hà Nội chưa có văn bản giao, chỉ đạo thì theo Khoản 2 Điều 20 Pháp lệnh quản lý thị trường năm 2016 ban hành Quyết định về kiểm tra đột xuất. Cụ thể:

– Quyết định kiểm tra đột xuất được ban hành khi có thông tin về hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân đã được thẩm tra, xác minh, bao gồm: Từ phương tiện thông tin đại chúng; từ đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc tin báo của tổ chức, cá nhân; từ đơn yêu cầu kiểm tra, xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân.

– Quyết định kiểm tra đột xuất được ban hành khi có đề xuất kiểm tra của công chức đang thi hành công vụ.

– Quyết định kiểm tra đột xuất được ban hành khi có yêu cầu kiểm tra bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Kế hoạch kiểm tra định kỳ và chuyên đề được gửi cho đối tượng được kiểm tra và cơ quan, tổ chức có liên quan ngay sau khi được phê duyệt hoặc ban hành.

Trong Pháp lệnh lệnh quản lý thị trường năm 2016 ban hành rõ việc lực lượng QLTT có thể kiểm tra đột xuất khi nhận được tin báo của tổ chức, cá nhân khi có thông tin có dấu hiệu vi phạm của tổ chức, cá nhân. Quy định đã rõ nhưng vị Đội trưởng Đội QLTT số 11 (Cục QLTT Hà Nội) đã không xuống kiểm tra khi PV phản ánh, cung cấp thông tin việc một số tổng kho kinh doanh hàng hóa không nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm nhãn hiệu.

Và nếu đợi đúng quy trình như lời ông Nguyễn Minh Khoán, Đội trưởng Đội QLTT số 11 nói thì không biết, có bao nhiêu người tiêu dùng phải sử dụng những sản phẩm gây nguy hại tới sức khỏe, thậm chí là tử vong nếu sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

Theo tìm hiểu được biết, những tổng kho này kinh doanh được một thời gian dài và cũng đã từng bị các ngành chức năng lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ hàng hóa vì không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Câu hỏi đặt ra, liệu có sự buông lỏng, bao che, thậm chí “bảo kê” hay không thì những cơ sở này mới vi phạm một cách liên tiếp như vậy? Có hay không việc kiểm tra cho “có lệ”?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu rằng, mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm (và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa). (Trích Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, sáng 11/10/2017).

Từ phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy, người cán bộ, đảng viên cần phải tránh xa những cám dỗ về vật chất, tham vọng thì mới hết mình phục vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đừng vì vật chất, tiền bạc mà đánh mất bản thân mình vì danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý.

Trở lại câu chuyện một số tổng kho trên địa bàn phường Dương Nội kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về tem nhãn trong suốt thời gian qua, đề nghị UBND TP.Hà Nội chỉ đạo các ngành chức năng cho kiểm tra làm rõ, đồng thời, xác minh có hay khôngviệc buông lỏng quản lý, bao che cho các vi phạm của những tổng kho này.

 Thiên Trường

Bài liên quan

Cùng chuyên mục