Trong đợt cao điểm chống buôn lậu dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai và Hưng Yên đã phát hiện nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Liên tiếp phát hiện và xử lý hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Liên tiếp phát hiện và xử lý hàng hóa không rõ nguồn gốc
Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lào Cai cho biết, thực hiện kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 của Cục QLTT tỉnh, Đội QLTT số 5 đã phát hiện, xử lý lượng lớn dược liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ đang được tập kết tại một địa điểm thuộc TP.Lào Cai. Cụ thể, Đội QLTT số 5 phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, PC03 – Công an tỉnh Lào Cai tiến hành kiểm tra lô hàng tập kết tại tổ 03, đường Ngô Gia Tự, phường Cốc Lếu, TP.Lào Cai, tỉnh Lào Cai.
Kết quả khám lô hàng gồm 30 bao trà Sơn Mật (50kg/bao), 05 bao hoa Tam thất (40kg/bao), 20 hộp quả La Hán (05kg/hộp). Chủ lô hàng là ông Phạm Văn Nam, sinh năm 1995, trú tại xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.
Tại thời điểm kiểm tra, ông Phạm Văn Nam không xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến hàng hóa. Đội QLTT số 5 đã lập hồ sơ vụ việc, tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa trị giá khoảng hơn 200 triệu đồng, dự kiến trình cấp có thẩm quyền xử phạt VPHC số tiền gần 100 triệu đồng.
Cũng liên quan tới hàng hóa không rõ nguồn gốc, trong quá trình thực hiện kế hoạch đấu tranh, xử lý vi phạm dịp trước, trong và sau tết Nguyên Đán 2022 của Cục QLTT tỉnh Hưng Yên, lực lượng chức năng đã phối hợp liên ngành gồm Đội QLTT số 4 - Cục QLTT tỉnh Hưng Yên và Đội Hình sự - Kinh tế - Ma túy - Môi trường, Công an thị xã Mỹ Hào, Đội 3 - Phòng Cảnh sát PCTP về Môi trường (sau đây gọi tắt là Tổ công tác liên ngành) liên tiếp phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 02 vụ vận chuyển, kinh doanh thực phẩm bẩn trên địa bàn Thị xã Mỹ Hào với tổng số tiền xử phạt là 20.000.000 đồng và buộc tiêu huỷ tang vật vi phạm có tổng giá trị 31.000.000 đồng.
Theo đó, tại địa phận phường Nhân Hòa - thị xã Mỹ Hào, Tổ công tác liên ngành phát hiện 01 xe ô tô mang BKS 89C-085.16 do ông Trịnh Duy Chức làm chủ phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật.
Qua kiểm tra, Tổ công tác xác định trên xe vận chuyển hơn 300 kg xác động vật (lợn chết), ông Chức khai nhận toàn bộ số lợn này mua của người không quen tại huyện Văn Giang về để kinh doanh kiếm lời. Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm hành chính, ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trịnh Duy Chức số tiền 10.000.000 đồng theo quy định tại khoản 5 Điều 20 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y và buộc ông Chức tiêu hủy toàn bộ số tang vật vi phạm trên có giá trị 15.000.000 đồng.
Tiếp đến, tại địa phận phường Dị Sử - Thị xã Mỹ Hào, Tổ công tác phát hiện 01 xe ô tô BKS 34C-143.39 do ông Đinh Văn Long làm chủ phương tiện vận chuyển 3.200 kg sản phẩm động vật (tóp, bì lợn), không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ông Long không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì liên quan đến số hàng hóa.
Sau vụ việc, cơ quan thú y thị xã Mỹ Hào xác định số hàng hóa trên không đủ điều kiện về vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm để lưu thông; cơ quan tài chính thị xã Mỹ Hào xác định số hàng hóa có giá trị 16.000.000 đồng. Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Đinh Văn Long số tiền 10.000.000 đồng và buộc ông Long tiêu hủy toàn bộ số tang vật vi phạm trên.
Toàn bộ số tang vật vi phạm hành chính trên đã được tiêu hủy tại Công ty Cổ phần đầu tư phát triển công nghiệp và môi trường Việt Nam (địa chỉ tại Tân Quang - Văn Lâm - Hưng Yên) dưới sự giám sát của lực lượng chức năng, đảm bảo an toàn môi trường theo quy định của pháp luật.
Lượng lớn Sơn mật, hoa Tam Thất... không rõ nguốc gốc. Ảnh: Cục QLTT tỉnh Lào Cai
Hành vi vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử lý như thế nào?
Theo lực lượng chức năng, hiện nay hành vi mua bán, vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ ngày càng trở nên phổ biến cả trong lẫn ngoài nước. Việc mua bán hàng hóa diễn ra tùy tiện mà ko có sự quản lý chặt chẽ từ cơ quan nhà nước, điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đời sống người dân. Vậy pháp luật quy định như thế nào về hành vi vận chuyển hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ?
Theo pháp luật hiện hành, hành vi vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ là vận chuyển hàng hóa không xác định được nguồn gốc sản xuất hoặc nơi thực hiện các quy trình chế biến. Theo đó, hàng hóa không rõ nguồn gốc sẽ được lưu thông trên thị trường và đến tay người tiêu dùng làm giảm chất lượng cuộc sống gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Theo đó, tại khoản 5 điều 44 Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định: “Hàng hóa vận chuyển trên đường không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, phát hiện hành vi vi phạm, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn theo quy định tại Nghị định này, người nộp thuế còn bị xử phạt về hành vi trốn thuế theo quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành".
Đối với tội vận chuyển hàng hoá không rõ nguồn gốc sẽ bị xử phạt như trên kèm theo xử phạt hành chính tại Điều 21 Nghị định 185/2013/NĐ-CP:
Xử lý vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa có giá trị nhỏ hơn 1000.000 đồng:
Kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa.
Đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa.
Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, xử phạt hàng hóa không có hóa đơn.
Kinh doanh hàng hóa có nhãn, bao bì hàng hóa có hình ảnh, hình vẽ, chữ viết, dấu hiệu, biểu tượng hoặc thông tin khác sai sự thật, gây nhầm lẫn về chủ quyền quốc gia, truyền thống lịch sử hoặc phương hại đến bản sắc văn hóa, đạo đức lối sống, đoàn kết dân tộc và trật tự an toàn xã hội.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
Hình thức xử phạt bổ sung cho những trường hợp vi phạm: Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này. Tịch thu phương tiện vi phạm là công cụ, máy móc hoặc vật khác được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm đối với hành vi vi phạm trên.
Biện pháp khắc phục hậu quả khi vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ: Buộc tịch thu tiêu hủy tang vật vi phạm đang lưu thông trên thị trường đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.
Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn hàng, bao bì hàng hóa, thu hồi loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn hàng, bao bì hàng hóa đối với hành vi vi phạm quy định tại điều này. Buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp có được nhờ thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này. Nếu vi phạm một trong những nội dung trên, không có giấy tờ chứng minh bạn phải chịu xử phạt theo quy định của nhà nước ban hành.
An Dương