Tiêu thụ thuận lợi, vận chuyển gọn nhẹ, dễ dàng, lợi nhuận cao, đây có lẽ là những ưu điểm làm cho mỹ phẩm trở thành mặt hàng để nhiều đối tượng làm giả, làm nhái, nhập lậu trục lợi, gây bất ổn thị trường, để lại hệ lụy cho người sử dụng.
Dễ mua, khó kiểm chứng chất lượng
Vào mùa đông, thời tiết hanh khô, nhu cầu mua sắm, sử dụng các sản phẩm làm đẹp, nhất là các loại kem dưỡng da của người dân tăng cao. Thị trường mỹ phẩm trên địa bàn tỉnh theo đó cũng sôi động hơn. Lợi dụng điều này, không ít các cửa hàng, cá nhân ở các địa phương trong tỉnh đã làm giả, nhập lậu, kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ hòng trục lợi, bất chấp quy định pháp luật.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng đối với hộ kinh doanh Lan Quý, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) do kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu. Trước đó, ngày 18/12, lực lượng chức năng phát hiện trong kho hàng của cơ sở này chứa hơn 27 nghìn đơn vị sản phẩm là mỹ phẩm (kem dưỡng, kem nẻ, phấn trang điểm, nước hoa...) nhập lậu; tổng giá trị hàng hóa hơn 658 triệu đồng. Số mỹ phẩm tại kho hàng trên nếu không bị phát hiện sẽ được bán cho các cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm, hàng tạp hóa để bán lẻ đến tay người tiêu dùng.
Cuối tháng 7/2024, bà T.T.T.H (chuyên kinh doanh mỹ phẩm online) tại phường Xương Giang (TP Bắc Giang) cũng bị Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt 95 triệu đồng do kinh doanh khoảng 70 nghìn đơn vị sản phẩm (kem dưỡng da, trị nám, dưỡng tóc; sữa rửa mặt gel tẩy da chết, thuốc nhuộm tóc, nước hoa…) không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng giá trị hàng hóa khoảng 1 tỷ đồng.
Đây chỉ là hai trong số nhiều vụ buôn bán mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý từ đầu năm đến nay. Thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, năm 2024, đơn vị phối hợp kiểm tra 75 vụ việc liên quan đến mặt hàng mỹ phẩm. Kết quả đã xử lý 61 vụ, phạt hành chính hơn 630 triệu đồng, hàng hóa tiêu hủy trị giá gần 1,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do lợi nhuận và mức xử phạt chưa đủ sức răn đe nên tình trạng kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc vẫn tái diễn. Từ các gian hàng tại chợ truyền thống khu vực nông thôn các huyện đến cửa hàng ở khu đô thị của TP Bắc Giang,... thấy nhiều loại mỹ phẩm không có tem nhãn phụ, không ghi rõ nguồn gốc được bày bán công khai. Ví như son môi, loại thấp có giá từ 10-15 nghìn/ cây, cao hơn vài chục, vài trăm nghìn đồng. Tại một số cửa hàng mỹ phẩm lớn ở TP Bắc Giang, thị xã Việt Yên có biển hiệu "Mỹ phẩm chính hãng", "Hàng xách tay"... song vẫn thấy không ít loại mỹ phẩm được ghi tên nước ngoài không dán tem nhãn phụ được trưng bày trên kệ hàng. Người bán khẳng định là hàng chính hãng, hàng xách tay nhưng chất lượng đúng như quảng cáo hay không thì khó kiểm chứng.
Không chỉ bán trực tiếp, các loại mỹ phẩm còn được bán công khai trên các trang mạng xã hội. Để hút khách, nhiều chủ gian hàng còn đẩy mạnh giới thiệu, bán sản phẩm với đủ chủng loại “thượng vàng hạ cám”; thậm chí "tung" ra nhiều chương trình khuyến mãi để dọn kho, kích cầu, thu hồi vốn. Theo đó, người mua càng khó phân biệt hàng thật-giả và không ai biết các loại mỹ phẩm này có những thành phần gì và chất lượng ra sao.
Liên quan đến mặt hàng mỹ phẩm, thời gian qua, lực lượng chức năng một số địa phương còn phát hiện, xử lý các vụ làm giả mỹ phẩm; mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất nhưng hết hạn sử dụng được một số đối tượng chỉnh sửa hạn sử dụng để bán ra thị trường.
Kiểm soát chặt, ngăn ngừa hậu quả
Theo ông Giáp Quang Đăng, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, mỹ phẩm là một trong ba mặt hàng (gồm mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng) bị làm giả nhiều nhất thời gian qua. Đáng chú ý, nhiều vụ mỹ phẩm cơ quan chức năng phát hiện, xử lý là hàng hóa do các đối tượng đặt mua từ các cơ sở sản xuất tại Trung Quốc đưa về Việt Nam tiêu thụ hoặc sang chiết ra các bình, lọ, chai dán nhãn nước ngoài như Nhật, Pháp, Mỹ, Úc... bán giá cao để trục lợi.
Trường hợp khác, các đối tượng nhập hàng từ biên giới, đi đường vòng qua nhiều địa điểm, tập kết ở các kho hàng khác nhau để qua mắt lực lượng chức năng. Các điểm bán hàng nhỏ lẻ kinh doanh đa dạng mặt hàng, trong đó có mỹ phẩm lấy từ các kho hàng lớn hoặc do người giao hàng mang đến nên nhiều khi không nắm được nguồn gốc xuất xứ thật của món hàng, nghe chủ giao buôn "quảng cáo thế nào rao bán thế ấy". Đáng trách là, vì lợi nhuận, không ít người bán lại quảng cáo là hàng xách tay, chính hãng của các doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu, thổi phồng công dụng của sản phẩm. Về phía người tiêu dùng, có tâm lý ham của rẻ, mua hàng theo cảm tính, tin tưởng cửa hàng, chủ hàng quen có địa chỉ rõ ràng... Thậm chí, một số người sau khi mua hàng về sử dụng, phát hiện hàng giả nhưng vì ngại phiền phức nên không tố cáo với cơ quan chuyên môn...
Theo ông Đăng, vi phạm trong kinh doanh mỹ phẩm trên môi trường mạng càng khó xử lý vì đối tượng không có địa chỉ kinh doanh cụ thể; dễ xóa dấu vết, thông tin... Cũng phải nói thêm, chế tài xử phạt đã có nhưng chủ yếu là xử phạt hành chính với số tiền vài chục đến hơn 100 triệu đồng (tùy vụ việc). So với lợi nhuận từ kinh doanh mỹ phẩm thì mức phạt chưa đủ sức răn đe. Đây chính là các lý do tạo cơ hội cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm “rởm” tồn tại, hoạt động.
Mỹ phẩm giả, nhái, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ không chỉ gây tổn thất về kinh tế mà còn ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe. Bác sĩ Nguyễn Thị Mai Anh, Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thông tin, trong mỹ phẩm giả chứa nhiều chất độc hại gây dị ứng, nổi mụn, biến đổi giãn mạch, teo mỏng da... Nguy hiểm hơn, nhiều loại khi sử dụng không phát sinh hậu quả ngay mà tích tụ dần dần. Nếu dùng lượng lớn, trong thời gian dài có thể gây hại cho phổi, hệ thần kinh, ảnh hưởng sự phát triển của thai nhi, thậm chí có nguy cơ gây bệnh ung thư. Vì vậy, bác sĩ Mai Anh khuyến cáo người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ, có sự tư vấn, hướng dẫn về chủng loại, thành phần mỹ phẩm trước khi sử dụng; chỉ mua mỹ phẩm khi biết rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, tránh mua mỹ phẩm trôi nổi khiến “tiền mất, tật mang”.
Để ngăn ngừa mỹ phẩm "rởm", kém chất lượng xâm nhập thị trường, Cục QLTT tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đội nghiệp vụ tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát trên khâu vận chuyển, lưu thông, kịp thời phát hiện xử lý vi phạm, nhất là các kho hàng lớn, điểm phát nguồn hàng hóa, hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng. Tăng cường công tác hậu kiểm, tuyên truyền, nâng cao hiệu quả xử lý.
Để quản lý tốt chất lượng mỹ phẩm, Cục Quản lý Dược đang làm đầu mối phối hợp các vụ, cục liên quan thuộc Bộ Y tế tham mưu xây dựng nghị định quản lý mỹ phẩm. Vấn đề này đang được xin ý kiến thẩm định của các bộ, ngành chuyên môn và dự kiến ban hành trong năm 2025. Khi nghị định được ban hành, có hiệu lực sẽ có thêm chế tài quản lý, xử lý việc sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm không đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, để ngăn chặn mỹ phẩm "rởm", cùng với cơ quan chức năng rất cần sự chung tay, vào cuộc của mỗi người dân trong tố giác, phát giác vi phạm cũng như "nói không" với các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Bá Đoàn