Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, người dân không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.
Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ việc giả danh cơ quan công an gọi điện thoại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, ngày 12/8, Công an quận Cầu Giấy tiếp nhận đơn trình báo của chị P. (SN 1980; ở quận Cầu Giấy) về việc nhận được cuộc điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an. Đối tượng thông báo chị P. có liên quan đến một vụ án điều tra và yêu cầu chị tải ứng dụng giả mạo “Bộ Công an” để phục vụ điều tra.
Sau khi đăng nhập tài khoản, chị P. phát hiện tài khoản bị mất gần 2 tỷ đồng nên đã đến cơ quan công an trình báo.
Trước đó, Công an quận Đống Đa cũng đã tạm giữ 3 đối tượng: Đoàn Trung Dũng (SN 1990, ở xã Võng La, Đông Anh, Hà Nội), Thới Minh Nhật (SN 1996, ở xã Trà Phú, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi) và Trần Quang Định (SN 1996, ở thị trấn Trà Xuân, Trà Bồng, Quảng Ngãi) liên quan đến vụ án “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Các đối tượng này đã giả mạo Công an TP Đà Nẵng, Viện KSND TP Đà Nẵng gọi điện thoại cho nạn nhân H. (SN 1952, ở phường Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội), thông báo ông H. liên quan đến vụ tai nạn giao thông và đường dây buôn bán ma túy.
Do lo sợ và tin tưởng là thật, ông H. đã cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân cho các đối tượng. Làm theo hướng dẫn, ông H. thấy tài khoản ngân hàng của mình bị mất gần 1,2 tỷ đồng. Biết bị lừa nên ông H. đã đến cơ quan công an để trình báo sự việc.
Để phòng ngừa tội phạm lừa đảo qua điện thoại, các cấp, các ngành thành phố đã triển khai nhiều biện pháp và bước đầu có những chuyển biến tích cực.
Công an quận Hoàn Kiếm đã thành lập nhóm Zalo giữa Công an khu vực với ngân hàng để kịp thời trao đổi thông tin phòng ngừa tội phạm; niêm yết biển cảnh báo về phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng này tại các quầy giao dịch, nơi khách hàng, người dân dễ nhìn, dễ đọc để nâng cao ý thức cảnh giác…
Quận Hà Đông có nhiều cách làm hay, sáng tạo như triển khai “Sổ tay phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật”, “Sổ tay an ninh Hà Đông điện tử”… đạt hiệu quả cao trong công tác phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm sử dụng công nghệ cao giả mạo cơ quan công an để lừa đảo.
Hàng ngày, trên hệ thống loa phát thanh của các phường trên địa bàn quận Hà Đông liên tục tuyên truyền thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, đồng thời đề nghị người dân khi gặp những tình huống tương tự cần cảnh giác.
Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phương thức thủ đoạn và cách phòng ngừa đối với loại tội phạm trên, các đoàn thể chính trị - xã hội huyện Chương Mỹ đã xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Các đoàn viên thanh niên huyện Chương Mỹ phối hợp với lực lượng công an địa phương phát khoảng 50.000 tờ cảnh báo phòng ngừa các trường hợp tội phạm giả danh cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng công an, để lừa đảo người dân.
Công an thành phố Hà Nội đã khuyến cáo, người dân không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.
Trước những thông tin đe dọa, uy hiếp không nên vội vàng chuyển tiền vào các tài khoản theo yêu cầu của các đối tượng mà trao đổi với người thân, bạn bè và thông báo ngay với lực lượng công an gần nhất để chủ động phòng ngừa, đấu tranh…
Lê Khánh