Bên cạnh các lực lượng như quản lý thị trường, công an kinh tế, bộ đội biên phòng… thời gian qua, các cơ quan báo chí cũng chính là những “mũi tên tiên phong” trong cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái.
Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), phóng viên đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Vũ Vinh Phú về vai trò của báo chí đối với công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng tại Việt Nam
Theo ông, đối với công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ người tiêu dùng hiện nay, báo chí đóng vai trò như thế nào?
Trong cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ người tiêu dùng ở nước ta hiện nay, ngoài các lực lượng như quản lý thị trường, công an kinh tế, hải quan, biên phòng thì báo chí là một lực lượng có vai trò rất quan trọng.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, có nhiều vụ làm ăn phi pháp của các tổ chức, cá nhân ở nước ta đã bị phanh phui, xử lý, trong đó không thể không kể đến công sức điều tra, phản ánh của các cơ quan báo chí, các nhà báo, phóng viên. Để làm rõ những việc này, cơ quan báo chí nói chung và đội ngũ các nhà báo, phóng viên nói riêng đã rất tâm huyết, trách nhiệm, thậm chí đối mặt nguy hiểm để đưa sự thật ra ánh sáng.
Nói đến sức mạnh của báo chí, không thể không nói tới những vụ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái rất lớn đã từng xảy ra trên địa bàn Hà Nội, Vĩnh Phúc. Những cơ sở làm ăn phi pháp có khi tồn tại tới cả chục năm, tuy nhiên, do sự buông lỏng quản lý của một số cơ sở chính quyền địa phương nên việc này tiếp tục tái diễn. Chỉ đến khi báo chí vào cuộc, mọi việc mới được làm sáng tỏ.
Có thể khẳng định rằng, cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái sẽ không thể có hiệu quả nếu như không có sự tham gia của các cơ quan báo chí. Tôi cho rằng, thời gian tới, các cơ quan báo chí cần tiếp tục vào cuộc mạnh hơn nữa để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và góp phần từng bước loại bỏ vấn nạn hàng nhái, hàng giả đang tồn tại trên thị trường hiện nay.
Có ý kiến cho rằng, trong công cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ người tiêu dùng, báo chí cần phải là lực lượng tiên phong. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?
Thời gian qua, báo chí đúng là một trong những lực lượng đi tiên phong trong công cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, theo tôi, còn một vấn đề quan trọng hơn nữa cần phải đề cập tới chính là tính chiến đấu, tính dấn thân của báo chí khi tìm hiểu về các vấn đề nhạy cảm, các vấn đề gây bức xúc, nhức nhối của người dân, đặc biệt là trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phân phối sản phẩm hàng hóa.
Để đánh giá mức độ hiệu quả của báo chí trong hoạt động đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, cần phải xem liệu cơ quan báo chí đó có dám đi tới cùng, làm rõ đúng sai của các sự việc hay vi phạm của cá nhân, tổ chức, thậm chí là của các cơ quan quản lý hay không.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú (Ảnh: Hán Hiển)
Báo chí phải nêu gương những doanh nghiệp làm ăn chân chính và điều tra, làm rõ, phản ánh những sai phạm của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức làm ăn phi pháp, làm rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc buông lỏng quản lý, bao che cho sai phạm.
Tôi đặc biệt muốn nhấn mạnh tới bản lĩnh của cơ quan báo chí. Đó chính là cương quyết bảo vệ cái đúng, không dung túng, bao che cho cái sai. Đội ngũ cơ quan báo chí, từ phóng viên đến Tổng Biên tập - người đứng đầu tòa soạn, phải là những người hết sức bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm.
Trong tình hình hiện nay, báo chí cần làm gì để nâng cao hiệu quả truyền thông phục vụ công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng, thưa ông?
Vai trò của báo chí trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái là rất quan trọng. Tôi cho rằng, thời gian qua, báo chí đã làm tốt vai trò của mình. Sự tham gia của báo chí vào các vụ điều tra hàng giả, hàng nhái là tích cực và đáng ghi nhận. Nhiều phóng viên, nhà báo đã vượt qua muôn vàn khó khăn về vật chất, tinh thần để làm việc, dũng cảm nói lên sự thật.
Tuy nhiên, để làm công tác chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng hiệu quả hơn, báo chí cần có sự ủng hộ từ cơ quan nhà nước bằng các chính sách cụ thể, cũng như từ cộng đồng xã hội. Cùng với đó là nâng cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm của cơ quan báo chí trong việc công bố những thông tin của mình để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Các cơ quan báo chí cũng cần phải tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, trang bị cơ sở vật chất, máy móc để tác nghiệp cho phóng viên, chăm lo tốt đến đời sống cho nhà báo, hạn chế phát sinh những tư tưởng lệch lạc, những hành động sai lầm từ đội ngũ này.
Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước cũng cần có những sửa đổi liên quan tới: các Luật cạnh tranh, Luật Báo chí, Luật Bảo vệ người tiêu dùng để đủ sức răn đe các hành vi sai phạm. Thực tế cho thấy, có những vụ việc nghiêm trọng về hàng giả, hàng nhái nhưng mức phạt chỉ 5-10 triệu đồng, như vậy chưa có tính răn đe.
Thời gian tới, cần có các chế tài mạnh hơn nữa để doanh nghiệp vi phạm không dám tái phạm; đồng thời, có hình thức khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân, các cơ quan báo chí có thành tích tốt về chống hàng giả, hàng nhái, biểu dương các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Có như vậy chúng ta mới thực hiện được công khai minh bạch theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng.
Đồng thời, phải tăng cường hơn nữa vai trò của chính quyền địa phương, bởi không thể chống hàng giả, hàng nhái có hiệu quả nếu các sai phạm được bỏ qua, được bao che bởi chính quyền cơ sở.
Một điều quan trọng nữa là cơ quan báo chí cũng cần đổi mới nội dung phương thức tryền tải nội dung, thông điệp tới người tiêu dùng và xã hội. Có như vậy, công tác chống hàng giả, hàng nhái mới thật sự có hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!
Yến Hoa - Hán Hiển/Vietq