Tình trạng sách in lậu, sách giả tràn lan trên thị trường khiến không ít người tiêu dùng bức xúc, các nhà xuất bản chân chính thì lao đao. Để bảo vệ sản phẩm của mình, không ít nhà xuất bản phải bỏ một khoản tiền không nhỏ để đầu tư cho con tem chống sách giả. Tuy nhiên, thực tế lại không như kỳ vọng, bởi tem chống sách giả cũng đang bị làm giả.
Trong bối cảnh đó, tem điện tử được kỳ vọng sẽ là giải pháp để ngành xuất bản bảo vệ thị trường, góp phần kết nối đơn vị xuất bản với độc giả, cơ quan quản lý.
Thời gian gần đây, các cơ quan quản lý đã triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn nhưng hoạt động in lậu, in giả, in nối bản trái phép (gọi chung là in lậu) vẫn diễn ra với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp.
Cơ quan quản lý đã triển khai nhiều biện pháp thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền cách phân biệt sách giả, sách lậu. Trước tình hình in lậu tinh vi như hiện nay, nhiều đơn vị tự phát triển, sử dụng tem chống giả, trong đó có tem điện tử.
Nhiều vấn đề về sử dụng tem điện tử trong hoạt động xuất bản, in đã được thảo luận tại hội thảo “Ứng dụng tem điện tử vào quản lý sản phẩm in và phòng chống in lậu”. Hội thảo diễn ra chiều 25/10, do Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức.
Tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Phạm Tuấn Vũ cho biết, những năm qua, xuất bản có bước phát triển khá với mức tăng bình quân giai đoạn 2015 - 2019 là 5%. Năm 2020 và 9 tháng năm 2021, chịu tác động mạnh của đại dịch Covid-19, ngành xuất bản chứng kiến bước sụt giảm, với 4% về doanh thu, 9,1% về năng lực sản xuất trong năm 2020; và ước tính giảm sẽ trên 10% trong năm 2021. Để xuất bản lấy lại đà tăng trưởng, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, bao gồm cả các giải pháp phát triển thị trường và bảo vệ thị trường, trong đó ngăn chặn, từng bước đẩy lùi vấn nạn in lậu là một trong những giải pháp trọng tâm.
Theo đại diện Nhà xuất bản Trẻ cho biết đơn vị này là một trong số những đơn vị xuất bản bị làm giả nhiều nhất, mặc dù họ đi đầu trong việc sử dụng tem 7 màu chống sách giả, cứ 6 tháng thay một mẫu tem gửi cho nhà in. Nguyên nhân là do in lậu, in nối bản từ nhà in, đối tác tư nhân ở ngoài in lậu…
Chống sách lậu bằng tem điện tử
Nhà xuất bản Trẻ mỗi năm xuất bản khoảng 2.000 đầu sách in tại 4 nhà in ở TP.HCM, đơn vị này không dám in ở phía Bắc do lo lắng sách giả, in nối bản, nhưng vẫn không giải quyết được nạn sách giả.
Sách lậu bán tràn lan, có bộ sách nhà xuất bản này bán giá 1,5 triệu đồng thì ngoài thị trường sách lậu chỉ rao bán 300.000 đồng. Bán sách lậu lợi nhuận cao nên các nhà sách biết sách lậu, sách giả vẫn bán. Người mua có khi cũng biết rõ là sách lậu nhưng vì rẻ nên vẫn mua.
Còn nhân viên nhà xuất bản thì nhiều khi nhìn vào tem chống sách giả cũng không biết tem giả hay tem thật, bạn đọc càng khó biết.
Đại diện Nhà xuất bản Kim Đồng thì than trời về tình trạng người đọc biết thừa sách lậu vẫn mua và đặt câu hỏi có bao nhiêu phần trăm bạn đọc sẵn sàng rút thiết bị di động thông minh ra để quét mã QR kiểm tra sách thật hay giả?
Con số này theo chia sẻ của TS Nguyễn Đăng Quang - nguyên phó tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo Dục - là chỉ có 3% người đọc Việt Nam sẵn sàng cào tem để nhận biết sách thật, sách giả.
"Ai cũng muốn kiểm tra những mặt hàng tiêu dùng là hàng thật hay hàng giả trước khi mua. Nhưng lại không bận tâm kiểm tra cuốn sách họ sắp mua là thật hay giả bởi chất lượng của sách thật và giả ít chênh lệch mà sách giả lại rẻ hơn" - ông Quang giải thích về sự thờ ơ của người đọc Việt Nam với việc đấu tranh với sách giả.
Thực trạng “cuộc chiến” tem thật - tem giả, sách thật - sách giả hiện gian nan khi chưa có một giải pháp nào để chống lại hiện trạng làm giả sách, giả tem. Để giải quyết những hạn chế của tem truyền thống, cần có một giải pháp đó là sản xuất các sản phẩm tem chống giả kỹ thuật số, với nhiều lớp bảo mật: mã QR, số ký tự, mã phủ nhũ dành cho người dùng (chỉ xác thực được 1 lần), hình ảnh nhãn hiệu...
Theo ông Nguyễn Nguyên, cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành cho biết, rất muốn các đơn vị cùng hướng tới việc dùng giải pháp công nghệ để phát triển thị trường xuất bản. “Xuất bản là công nghiệp sáng tạo nội dung và do đó không thể không bảo vệ bản quyền. Cho nên bàn với nhau không chỉ là chuyện tem mà đích là làm sao phát triển công nghiệp nội dung, công nghiệp sáng tạo”, ông Nguyên nói, đồng thời cho rằng cần xử lý nghiêm hơn hành vi in lậu và tăng cường tuyên truyền cho người tiêu dùng.
Thiên Trường