Hiện nhiều địa phương tại Việt Nam đã chú trọng đến cơ cấu giống. Các giống đặc sản, lúa thơm được đưa vào canh tác ngày càng nhiều đã giúp khẳng định thương hiệu gạo Việt ở nhiều thị trường “khó tính”.
Điều này lý giải vì sao giá gạo Việt Nam cao hơn một số nước xuất khẩu truyền thống, nhưng người tiêu dùng thế giới vẫn chọn ký hợp đồng nhập khẩu gạo Việt.
Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trên thị trường thế giới, giá gạo Việt Nam vẫn duy trì vị trí dẫn đầu trong các nước xuất khẩu gạo. Điển hình, đầu tuần tháng 4/2022 giá gạo 5% tấm xuất khẩu đã tăng 12-15 USD/tấn so với đầu năm và khoảng 10 USD/tấn so với đầu tháng 3, lên mức 415 USD/tấn - cao nhất trong hơn 3 tháng qua. Trong khi loại gạo này của Thái Lan hiện giao dịch ở mức 408 - 412 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất trong 4 tháng qua.
Bộ Công thương cho biết, nỗ lực chuyển đổi cơ cấu gạo xuất khẩu từ loại phẩm cấp thấp sang loại phẩm cấp cao là một trong những nguyên nhân giúp giá trị xuất khẩu gạo tăng lên nhanh chóng. Hiện nhiều địa phương tại Việt Nam đã chú trọng đến cơ cấu giống. Các giống đặc sản, lúa thơm được đưa vào canh tác ngày càng nhiều đã giúp khẳng định thương hiệu gạo Việt ở nhiều thị trường “khó tính”. Điều này lý giải vì sao giá gạo Việt Nam cao hơn một số nước xuất khẩu truyền thống, nhưng người tiêu dùng thế giới vẫn chọn ký hợp đồng nhập khẩu gạo Việt.
Ảnh minh họa
Vài năm trở lại đây, dòng gạo thơm, gạo đặc sản của Việt Nam như ST24, ST25, Jasmine… đã đi được vào một số thị trường lớn như EU, giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 sang thị trường EU sẽ đạt tối thiểu 60.000 tấn, đặc biệt là tại các thị trường truyền thống như Đức, Italy, Ba Lan…
Với mục tiêu giảm dần sản lượng và tăng giá trị xuất khẩu gạo, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt “Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030”. Theo đó, Việt Nam định hướng tái cơ cấu theo hướng đẩy mạnh giá trị, phát triển bền vững. Ngành lúa gạo cũng hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng và giá trị cho hạt gạo Việt. Từ đó, hình thành và nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng, giúp thích ứng với sự thay đổi khí hậu và nâng cao thu nhập cho người nông dân cũng như nhu cầu được đáp ứng lúa gạo chất lượng cao của người tiêu dùng.
Các chuyên gia cũng cho rằng, ngoài cải thiện giống và chất lượng gạo theo đúng thị hiếu, điều cần phải làm để tăng giá trị xuất khẩu gạo một cách bền vững là xây dựng thương hiệu. Cùng chất lượng gạo nhưng loại có thương hiệu tốt có thể sẽ bán được với giá cao hơn 10-20%.
Theo Bộ Công Thương, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới, đa dạng hóa thị trường và nâng cao giá trị cho gạo xuất khẩu.
Thanh Tùng