Nhiều dự án đầu tư công phải dừng thi công vì... “bão giá”

Trước tình trạng “càng làm càng lỗ”, nhiều nhà thầu buộc phải lựa chọn giải pháp ngừng thi công. Điều này khiến hàng loạt dự án đầu tư công, dự án trọng điểm quốc gia đứng trước nguy cơ chậm tiến độ.

“Bão giá” VLXD – hệ lụy lớn

Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) vừa gửi văn bản tới Văn phòng Chính phủ “kêu cứu” về diễn biến giá thép tăng phi mã trong quý I/2021, đặc biệt từ đầu tháng 4 đến nay.

VACC trần tình rằng, các nhà thầu đang gặp phải những khó khăn không cách nào tháo gỡ khi tất cả thương hiệu thép đã đồng loạt tăng giá từ 30-40% so với thời điểm cuối quý IV/2020, khiến chi phí xây dựng tăng vọt so với dự toán, “nếu tình trạng này kéo dài thì sẽ có không ít doanh nghiệp phải đóng cửa”.

Không chỉ giá thép tăng mà giá các mặt hàng vật liệu xây dựng khác như cát, sỏi, tôn... cũng tăng từ 20-25%. Điều này khiến nhiều dự án đầu tư có sử dụng ngân sách nhà nước có nguy cơ đình trệ. Bởi vật liệu xây dựng tăng đã làm thay đổi tổng vốn đầu tư, nội dung quan trọng nhất trong chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư. Khi tổng mức đầu tư thay đổi, chủ đầu tư buộc phải đi xin lại chủ trương đầu tư. Thủ tục này có thể kéo dài nhiều tháng thậm chí hàng năm.

Trao đổi về giá thép tăng tác động đến ngành xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC cho biết, thông thường, giá thép chiếm trong công trình xây dựng khoảng 20% giá trị nên giá thép tăng lên 40-45% thì giá thành xây dựng tăng cao lên. Chưa kể không chỉ thép mà cả kể giá các nguyên vật liệu khác như xi măng, gạch xây, gạch ốp… cũng tăng nhưng tốc độ không chóng mặt như thép.

Thép là nguyên vật liệu chiếm tỉ trọng về giá cao nhất trong giá thành xây dựng dẫn đến cả ngành xây dựng khốn đốn. Nhà thầu xây dựng vô cùng gay go, với tốc độ giá thép tăng thế này các nhà thầu phá sản đóng cửa hết.

Chia sẻ câu chuyện tăng giá vật liệu, lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ, hơn 1 tháng qua, lãnh đạo của tập đoàn phải “chạy đôn chạy đáo” khắp nơi để thương thảo những vấn đề phát sinh do đà tăng “đột biến” của thép và nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng trong 4 tháng đầu năm.

Giá thép tăng vọt, Nhiều nhà thầu có nguy cơ sụp đổGiá thép tăng vọt, nhiều nhà thầu có nguy cơ sụp đổ

“Bởi nếu không cập nhật biến động giá kịp thời, Đèo Cả sẽ phải chịu thâm hụt lớn về tài chính ở hàng loạt dự án đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước như Cầu Cửa Lục 1, Cầu Cửa Lục 3…”, ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho biết.

Chỉ tính riêng tại dự án thành phần Cam Lâm – Vĩnh Hảo thuộc cao tốc Bắc Nam phía Đông mà Đèo Cả làm chủ đầu tư, giá thép tăng 40% đã làm phát sinh chi phí thêm gần 150 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai dự án của doanh nghiệp.

Khi giá nguyên vật liệu tăng, dự án Cầu Rào 1 tại Hải Phòng cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. đơn giá thép tròn khi dự thầu theo giá công bố quý 3/2020 là 10.900 đồng/kg (chưa bao gồm VAT), nhưng hiện nay giá bán đã tăng gần 55% lên 16.845 đồng/kg. Trong khi đó, đơn giá mà liên danh nhà thầu đang áp dụng vào công trình này là 12.084 đồng/kg (chưa bao gồm VAT), chênh lệch gần 5.000đồng/kg so với giá bán.

“Với tổng khối lượng sắt thép sử dụng cho công trình này lên khoảng 6.200 tấn,  chênh lệch giữa giá thép áp dụng cho gói thầu và giá thị trường hiện tại đã lên gần 30 tỷ đồng. Vì vậy, việc bảo đảm tiến độ dự án hoàn thành vào cuối năm 2021 là một thách thức lớn với liên danh nhà thầu”, ông Hồ Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cơ khí xây dựng Thăng Long cho biết.

Tăng giá thép – câu chuyện của cả nền kinh tế

Mặc dù đã có phương án dự phòng rủi ro từ biến động giá của thị trường, song đà tăng “phi mã” hiện nay khiến nhiều doanh nghiệp và nhà thầu khó cầm cự, buộc phải chấp nhận chịu phạt thầu hoặc dừng thi công để tránh bị thiệt hại.

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của sản phẩm thép hiện nay đa phần phải nhập khẩu, như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite... phụ thuộc rất lớn vào giá nguyên liệu thế giới. Trong thời gian gần đây, giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu, cùng với dịch bệnh, thời gian giao hàng kéo dài cũng là những lý do khiến giá thép tăng mạnh.

Giá sắt, thép xây dựng tăng cao đã khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng lâm cảnh khó khăn do chi phí bị đội lên, nhiều nhà thầu được dự báo mất lãi do phụ thuộc vào nguyên liệu và giá đàm phán với chủ đầu tư. Thậm chí có doanh nghiệp đang đứng trước rủi ro phá sản do không thể gánh được mức tăng liên tục của giá sắt, thép trên thị trường hiện nay. Trước nguy cơ lớn từ giá sắt, thép tăng trên thị trường, VACC đã phải có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ “cầu cứu”.

Nói về các biện pháp để giảm thiệt hại cho nhà thầu, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam nêu quan điểm, đối với các dự án, công trình đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, trước khi tìm ra nguyên nhân giá thép tăng và có biện pháp, thì nhà nước sớm có quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư và chấp nhận thanh toán đơn giá cho nhà thầu theo đơn giá thị trường. Cập nhật đơn giá của các Sở xây dựng thanh toán cho nhà thầu hiện đã bị lạc hậu. 

Có vẻ như tăng giá thép không phải là câu chuyện của riêng doanh nghiệp ngành xây dựng mà của cả nền kinh tế? Tăng giá thép không phải là câu chuyện của riêng doanh nghiệp ngành xây dựng mà là của cả nền kinh tế

Cụ thể hơn thì Bộ Xây dựng có ý kiến với Sở Xây dựng cập nhật lại đơn giá thanh toán. Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư khẩn trương xem xét điều chỉnh tổng mức đầu tư thì các dự án vốn ngân sách mới “sống” được.

Bên cạnh đó, cũng phải có biện pháp khuyến cáo, kêu gọi các chủ đầu tư xem xét, chia sẻ với nhà thầu. Ở góc độ Luật pháp thì chủ đầu tư họ không sai, không thể bắt buộc nhưng vì trách nhiệm xã hội chung, trách nhiệm cộng đồng, các nhà đầu tư có thể san sẻ hỗ trợ nhà thầu trong lúc này. Nếu không công ty xây dựng buộc phải dừng thi công vì làm càng lỗ, dự án đình trệ, tranh chấp lại kéo nhau ra toà.

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Quốc Hiệp, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, ở tình huống giá nguyên vật liệu tăng một cách “phi mã” như thế này, chúng ta không thể quyết định tổng mức đầu tư ngay từ trong chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư bởi đây là yếu tố dễ bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả.

Theo luật, khi tổng vốn đầu tư thay đổi, chủ đầu tư buộc phải xin điều chỉnh chủ trương đầu tư. Quy định này đang làm chậm trễ rất nhiều dự án đầu tư công lớn hiện nay như Metro ở Hà Nội và Tp.HCM... gây tốn kém, lãng phí và không hiệu quả.

Cho nên Chính phủ cần chỉ đạo thật nhanh để giải quyết tình trạng này; thậm chí có thể cần tới cả quyết định phi truyền thống hướng dẫn về thủ tục, thẩm định dự án... để điều chỉnh đồng loạt những quy định liên quan tới tổng mức đầu tư trong chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư.

Xa hơn, chúng ta phải tiến tới sửa Luật Đầu tư công cũng như những quy định liên quan tới chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó tránh “bó cứng” tổng mức đầu tư của dự án. Nếu được, bỏ luôn quy định liên quan tới điều chỉnh chủ trương đầu tư vì trong năm 2021 và vài năm tới, động lực tăng trưởng vẫn đến từ đầu tư công. Có như vậy, chủ đầu tư và nhà thầu mới yên tâm khi tham gia dự án đầu tư có sử dụng ngân sách nhà nước.

Có thể thấy, giá thép tăng cao đã tác động không nhỏ tới nền kinh tế. Giá vật liệu xây dựng tăng dẫn theo một loạt thứ tăng giá như thành sản phẩm bất động sản tăng theo, chỉ số lạm phát CPI không nằm trong ngưỡng an toàn. Mức giá lạm phát cao đẩy theo nhiều nguy cơ khác.

Ngoài chỉ số lạm phát, còn ảnh hưởng tăng trưởng GDP. Hiện nay, chúng ta đang phấn đấu tăng trưởng GDP 7% trong đó riêng ngành xây dựng đã đóng góp 8-10% vào tăng trưởng. Vì vậy, nếu kinh tế muốn phát triển thì ngành xây dựng phải là lực lượng đủ mạnh, biện pháp của nhà nước hỗ trợ cho ngành xây dựng là cho cả tương lai, cho cả kinh tế Việt Nam chứ không riêng gì cho ngành xây dựng. Nhà nước cần có biện pháp bảo vệ nhà thầu xây dựng.

Ngọc Linh

Cùng chuyên mục