Cách đây ít ngày, lần đầu tiên chuỗi Café Amazon lên tiếng về kế hoạch của mình tại thị trường Việt Nam. Đại diện chuỗi này nói rằng, nơi đây vẫn là "điểm sáng" đầu tư trong bối cảnh đại dịch toàn cầu.
Là vựa cà phê của thế giới (xuất khẩu đứng thứ 2 sau Brazil), Việt Nam còn là quốc gia có văn hóa thưởng thức cà phê độc đáo. Do đó, dễ dàng nhận thấy đây là sân chơi khốc liệt của hàng loạt thương hiệu cà phê chuỗi nổi tiếng trên thế giới như Starbuck, Coffee Beans and Tea Leaf, My Life Coffee, McCafe… đến các tên tuổi nội địa gồm Trung Nguyên, Phúc Long, Highlands, Coffee House, King Coffee…
Năm 2020, đại dịch Covid-19 dù giáng đòn nặng khiến tình hình kinh doanh sụt giảm, song sau đó là một xu hướng tiêu dùng mới được hình thành. Điều này đồng nghĩa với một cuộc chiến mới của thị trường chuỗi cà phê đã và đang diễn ra.
Trong động thái mới nhất, Café Amazon - chuỗi cà phê hàng đầu tại Thái Lan và khu vực Đông Nam Á - đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến thứ 10 trong kế hoạch mở rộng toàn cầu. Hiện nay, Café Amazon đã có 5 cửa hàng tại Việt Nam, cụ thể: 2 cửa hàng tại Tp.HCM và 3 cửa hàng con lại nằm trong hệ thống siêu thị Go! tại Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh.
"Nhận thấy tiềm năng phát triển lâu dài tại Việt Nam, chúng tôi đã có kế hoạch mở rộng hệ thống cửa hàng trên khắp cả nước trong tương lai. Cụ thể trong năm 2021, chúng tôi dự định mở thêm nhiều cửa hàng tại TP.HCM và các tỉnh lân cận", đại diện Café Amazon Việt Nam chia sẻ.
Chuỗi Café Amazon dự định mở rộng hệ thống cửa hàng khắp Việt Nam thông qua nhượng quyền. Ảnh: ORCG
Theo vị này, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều tiềm năng để mở rộng kinh doanh, với chiều hướng phát triển kinh tế cao và mức độ mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, thương hiệu còn nhận thấy xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ và mở rộng kinh doanh quán cà phê.
Hãng nghiên cứu Euromonitor ước tính thị trường chuỗi cà phê và trà tại Việt Nam hiện đạt quy mô khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, 4 trên 5 chuỗi có doanh thu lớn nhất đều là các tên tuổi nội địa, cụ thể là Highlands, Phúc Long, The Coffee House và Trung Nguyên. Starbucks là doanh nghiệp ngoại duy nhất nhưng chiếm chưa đầy 3% thị phần.
Nguyên nhân thất bại của các thương hiệu cà phê quốc tế tại Việt Nam, theo CNBC, bắt nguồn từ thực đơn với những thức uống không phải truyền thống, quen thuộc với người dân. Đồng thời, mức giá tại các cửa hàng cà phê ngoại cũng cao gấp 2-3 lần chuỗi Việt.
Nói riêng về thực tế này, đại diện Café Amazon cho biết đang sử dụng hạt cà phê trồng tại Đà Lạt (Lâm Đồng) cho các món cà phê đen, cà phê sữa, bạc xỉu bên cạnh các dòng sản phẩm đặc trưng của thương hiệu. Nhiều món trà phổ biến với người tiêu dùng Việt Nam như trà đào, trà sữa trân châu đường đen... cũng được bổ sung vào thực đơn.
"Việt Nam là quốc gia có văn hóa thưởng thức cà phê độc đáo. Vì vậy, chúng tôi cố gắng hết sức để nghiên cứu và phát triển thức uống của mình, trở thành điểm giao thoa giữa 2 nền văn hóa cà phê đặc sắc của Thái Lan và Việt Nam", đại diện thương hiệu này khẳng định.
Thành lập từ năm 2002, Café Amazon (thuộc PTT Oil and Retail Business - PTTOR) là chuỗi cà phê lớn nhất Thái Lan với hơn 3.000 cửa hàng. Nhờ mô hình nhượng quyền, cái tên này đã có mặt tại 11 quốc gia khác và lọt top 6 thương hiệu cà phê lớn nhất thế giới tính theo số lượng chi nhánh.
Thiên Trường