Một cú tăng giá sốc đưa giá xăng dầu lên mức cao nhất 7 năm qua. Ngay lập tức, giá nguyên liệu đầu vào có xu hướng tăng mạnh. Người tiêu dùng lại gặp một phen khốn đốn khi chịu cảnh “tăng giá kép”.
Khốn đốn vì “tăng giá kép”
Trong kỳ điều chỉnh gần nhất, giá xăng dầu đồng loạt tăng mạnh khi xăng E5 RON92 tăng 1.427 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 1.459 đồng/lít, còn dầu diesel 0.05S tăng 1.171 đồng/lít.
Với nét mặt buồn rầu, anh Nguyễn Văn Hưng quê ở huyện huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) - một tài xế taxi công nghệ bày tỏ quan điểm lo lắng cho cái nghề kiếm cơm của mình.
Theo anh, trung bình xe chạy 100 km sẽ tiêu thụ mức nhiên liệu từ 8 đến 10 lít xăng. Giá xăng hiện tại, trừ các chi phí khấu hao thì lời lãi với anh chỉ từ 300 - 500 nghìn đồng/ngày đêm.
Cũng theo anh Hưng, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến cho khách đi xe ít, trong khi số lượng xe cá nhân thì ngày một tăng, nhu cầu giảm. Để duy trì hoạt động, gần như xe của anh chỉ chạy chở những khách quen. Anh cũng khẳng định không thể liên tục tăng giá cước theo giá xăng dầu được. Làm vậy đồng nghĩa với việc sẽ mất khách.
Chị Hồng Vững, nhà ở quận Hà Đông thì không khỏi lo lắng khi thời gian vừa qua, giá thực phẩm tăng một cách “phi mã”. Theo chị Vững, rau xanh là mặt hàng tăng giá mạnh nhất.
“Trước đây, một mớ rau muống có giá 5.000 đồng thì nay giá tăng gấp 3 lần. Giá lợn, thì tăng từ 10.000-15.000 đồng/kg. Ví như, thịt ba chỉ tuần trước giá tại chợ chỉ 130.000 đồng, nay đã tăng lên 145.000 đồng/kg, sườn lợn giá cũng tăng lên 150.000 đồng/kg. Hỏi người bán thì tôi nhận được câu trả lời do giá xăng tăng mạnh, cộng với giá lợn hơi và giá rau tại ruộng tăng nên giá ở chợ cũng phải điều chỉnh tăng theo. Tức, những bà nội trợ như tôi đang chịu cảnh tăng giá kép”, chị Vững than thở.
Chị tâm sự, mấy tháng vừa qua dịch bệnh bùng phát, gia đình chị gần như không có thu nhập vì chị thì đang trong giai đoạn nghỉ thai sản còn chồng thì không đi làm được vì giãn cách xã hội.. Mọi gánh nặng chi tiêu cho gia đình 4 người là tiền tiết kiệm từ trước.Tổng thu giảm, tổng chi lại tăng mạnh, chị đành “thắt lưng buộc bụng” cầm cự. Như sáng nay, vì giá thịt đắt đỏ, chị đành cắt bớt khẩu phần món này, chuyển sang ăn trứng.
Chị Nguyễn Thị Thanh Vân - chủ một cửa hàng đặc sản ở Hai Bà Trưng (Hà Nội) - từ sáng đến giờ cũng phải nhắn tin cho hàng trăm khách hàng thông báo điều chỉnh giá hàng hoá và phí ship.
Theo chị Vân, những người bán hàng như chị cũng sợ phải điều chỉnh giá tăng nên vì khi giá tăng cao dân sẽ hạn chế ăn, hàng ế ẩm. Song, sau cú điều chỉnh giá xăng dầu tăng mạnh chiều qua, các nhà xe ồ ạt tăng giá cước vận chuyển, chị cũng buộc phải điều chỉnh giá bán để cân bằng.
“Trước chuyển một thùng hàng trọng lượng 40-50kg từ Điện Biên về Hà Nội chỉ hết 80.000 đồng, nay nhà xe tăng giá cước lên 120.000-130.000 đồng. Đó là chưa kể giá hàng hoá các mối bỏ sỉ cũng điều chỉnh tăng lên 3.000-5.000 đồng/kg tuỳ loại”, chị nói.
Theo một số tiểu thương chợ La Cả phường Dương Nội, quận Hà Đông (Hà Nội) thừa nhận, giá nhiều mặt hàng đã được điều chỉnh tăng. Trong đó tăng mạnh nhất là mặt hàng thịt lợn và rau củ quả các loại. Theo tiểu thương tại chợ này, ngoài nguyên nhân tăng giá do xăng dầu, những ngày gần đây giá lợn hơi tại chuồng tăng dựng đứng, nguồn cung rau củ quả bị ảnh hưởng bởi mưa lớn dẫn đến giá tăng phi mã. Do đó, giá thịt lợn được điều chỉnh tăng lên thêm 10.000-15.000 đồng/kg tuỳ loại; các loại rau củ điều chỉnh tăng thêm 5.000-10.000 đồng/kg, một số loại rau ăn lá giá gần như tăng gấp đôi.
Xăng, dầu liên tục tăng giá nhiều mặt hàng theo đà tăng mạnh
Dân bán hàng online sáng nay cũng đồng loạt thông báo tăng phí ship thêm 5.000-10.000 đồng/đơn hàng tuỳ khoảng cách xa gần.
Nguy cơ lạm phát tăng cao
Việc tăng giá sốc cũng khiến cho các doanh nghiệp vận tải hành khách rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, khi phải lựa chọn tăng giá cước hoặc bù lỗ để giữ chân khách. Theo tính toán của các doanh nghiệp vận tải, hiện chi phí xăng dầu đang chiếm 35-40% tổng chi phí mỗi cuốc xe. Theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Việt Nam cho rằng, xăng dầu tăng giá mạnh buộc các doanh nghiệp vận tải phải điều chỉnh giá cước.
Đối với vận tải bằng xe khách, hiện nay các doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động 50% sau dịch. Khách ít nên các doanh nghiệp không thể tăng giá vé trong thời điểm này, vì thế nguy cơ lỗ của doanh nghiệp càng lớn. Còn với các hãng taxi, doanh nghiệp vẫn chưa tăng giá cước vì còn nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục, quy định. Cụ thể, muốn điều chỉnh giá cước taxi, các hãng phải đăng ký kê khai giá, báo cáo với sở giao thông vận tải...
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 10 tháng của năm nay tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng giá xăng dầu đã tác động làm tăng 0,98 điểm phần trăm. Tổng cục Thống kê ước tính CPI cả năm 2021 sẽ rơi vào khoảng trên dưới 2%.
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê) nhận định, giá xăng, dầu tăng cao, bên cạnh việc ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu dùng của người dân, còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, đẩy chi phí doanh nghiệp lên cao.
Bà Oanh đánh giá, những tháng cuối năm, lạm phát có thể sẽ chịu tác động của một số yếu tố như giá xăng dầu, nguyên vật liệu, lương thực. Trong đó, giá nguyên vật liệu thế giới nhiều lĩnh vực tăng mạnh, việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến giá thành, chi phí sản xuất, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng. “Trong những tháng tới, giá lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng vì vào dịp Tết”, bà Oanh nhận định.
Đối với mặt hàng xăng dầu, theo bà Oanh, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính nên: Chỉ đạo theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và kết hợp đề xuất các giải giáp giảm thuế, phí nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, hạn chế mức tăng giá mặt hàng này đến CPI; Đối với nguyên liệu đầu vào quan trọng như sắt thép, vật liệu xây dựng cần thúc đẩy các giải pháp tăng năng lực sản xuất trong nước, ưu tiên cung ứng cho thị trường trong nước hơn thị trường xuất khẩu; Nghiên cứu giải pháp bình ổn giá thức ăn chăn nuôi để tháo gỡ khó khăn cho nông dân chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản…
Thiên Trường