Nhân rộng mô hình cam Tây Giang

Sau quá trình chăm sóc và di truyền, những cây cam đầu dòng mang nguồn gen cây có múi quý của cam Tây Giang đã được công nhận. Đây được xem là cơ hội giúp địa phương nhân rộng mô hình trồng cây ăn quả đặc sản, hướng đến đưa sản vật của vùng trở thành thương hiệu OCOP.

 

Tại Tây Giang, hiện có nhiều gốc cam cổ thụ, trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách.Tại Tây Giang, hiện có nhiều gốc cam cổ thụ, trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách

Loài cam quý

Ông Trần Văn Ta - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Giang cho biết, qua khảo sát, cam Tây Giang phân bố rải rác ở một số khu vực thuộc địa bàn 4 xã vùng cao gồm Tr’Hy, A Xan, Ch’Ơm và Ga Ry.

Trong đó, tập trung chủ yếu tại xã A Xan và Ga Ry, với khoảng 10.000 cây đang phát triển tốt trong cộng đồng. Theo đánh giá của các chuyên gia ngành nông nghiệp, loài cam bản địa này có nguồn gốc lâu đời, thích hợp với điều kiện tự nhiên của vùng đất giáp biên giới Lào.

Tại xã Ga Ry, nơi có hơn 60% cây cam được người dân trồng và chăm sóc, hiện có nhiều cây tuổi đời hàng chục năm, với chiều cao gần 5m, đường kính tán rộng 3 - 4m. Những cây cam này mọc hoàn toàn tự nhiên, ít chịu sự tác động của con người, thậm chí không được chăm sóc bón phân, tỉa cành; chỉ đến mùa thu hoạch, các hộ dân (chủ vườn) thu hoạch thủ công và xuất bán ra thị trường.

Để có cơ sở đánh giá đặc điểm của cây cam Tây Giang, bắt đầu từ năm 2014, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp (thuộc Phòng NN&PTNT huyện) tiến hành theo dõi, thống kê sơ bộ về khả năng ra hoa, quá trình sinh trưởng, trọng lượng quả cam, cũng như hàm lượng nước cam khi chín…

Kết quả khảo sát cho thấy, ngoài đặc điểm cây dạng thẳng đứng, mật độ cành thưa, cam Tây Giang có chiều cao trung bình 4 - 5m; quả tròn, vỏ nhẵn bóng với trọng lượng 150 - 230 gram/quả, khi ăn có vị ngọt mát, hàm lượng nước nhiều, dinh dưỡng cao.

“Giống cam Tây Giang bắt đầu chín từ tháng 9 âm lịch đến giáp Tết nguyên đán, một số cây chín vào dịp cận tết. Với giá bán trung bình tại vườn khoảng 20 nghìn đồng/kg, những năm gần đây, cam Tây Giang đang dần khẳng định giá trị và hiệu quả kinh tế, giúp nhiều hộ đồng bào Cơ Tu phát triển sinh kế dưới tán rừng” - ông Ta chia sẻ.

Niềm vui của người dân trong mùa thu hoạch cam Tây Giang. Ảnh: Đ.NNiềm vui của người dân trong mùa thu hoạch cam Tây Giang (Ảnh: Đ.N)

Khẳng định thương hiệu

Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho hay, không chỉ được xem là loài cây mang nguồn gen có múi quý trong bảo tồn đa dạng sinh học, cam Tây Giang đang được chính quyền địa phương phối hợp nghiên cứu bảo tồn và nhân rộng, hướng đến phát triển hàng hóa theo chuỗi giá trị cung ứng thị trường, trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng.

Để làm được điều đó, bên cạnh nỗ lực duy trì các vườn cây tự nhiên sẵn có trong cộng đồng, chính quyền địa phương đang bắt tay nghiên cứu bảo tồn nguồn gen quý theo phương pháp kỹ thuật ghép mắt đảm bảo chất lượng cây trồng “thuần tự nhiên” của cam bản địa.

Từ đó, tính toán nhân rộng quy mô trồng tại các địa phương lân cận, giúp cam Tây Giang trở thành đặc sản, tạo nên hướng mở cho du lịch và sinh kế người dân dưới tán rừng.

“Tính đến năm 2021, diện tích trồng cam tại các xã A Xan và Ga Ry đạt khoảng 47ha với hơn 10.000 cây đạt chuẩn. Trong đó, có hơn 1.025 cây đã ra quả, đem lại nguồn lợi kinh tế đáng kể cho người dân dọc các xã biên giới” - ông Linh nói.

Bằng các biện pháp hỗ trợ kỹ thuật nhân giống theo phương pháp ghép mắt gen, năm 2019, ngành nông nghiệp địa phương đã triển khai rồng hơn 5ha (tương đương 2.500 cây cam) tại một số thôn của xã Tr’Hy, Ga Ry, Ch’Ơm và A Xan. Sau thời gian chăm sóc, nhiều diện tích vườn cam phát triển tốt, góp phần vào mục tiêu nhân rộng giống cam bản địa trên toàn huyện.

“Từ năm 2018, chúng tôi phối hợp với Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật - Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam tiến hành chăm sóc 30 cây cam Tây Giang tiêu biểu trên cơ sở nghiên cứu quá trình sinh trưởng bằng phương pháp hỗ trợ công nghệ di truyền nguồn gen.

Đến cuối năm 2020, 14/30 cây cam này đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh công nhận là cây đầu dòng đạt chuẩn, mở ra cơ hội nhân rộng và ngày càng khẳng định được thương hiệu đặc trưng của cam Tây Giang” - ông Linh nhấn mạnh.

H. Thủy (Nguồn: https://baoquangnam.vn/)

Bài liên quan

Cùng chuyên mục