Bộ Công Thương áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời đối với đường mía có xuất xứ Thái Lan

Ngày 09 tháng 2 năm 2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Bộ Công Thương bắt đầu điều tra vụ việc vào ngày 21 tháng 9 năm 2020 trên cơ sở kết quả thẩm định Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp CBPG, CTC của đại diện ngành sản xuất trong nước.

Trải qua gần 5 tháng điều tra theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan, Bộ Công Thương đã xem xét và đánh giá kỹ lưỡng thiệt hại của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá và mức độ được trợ cấp của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm đường mía của Thái Lan cũng như tính toán tác động đối với các ngành sản xuất hạ nguồn và người tiêu dùng.

Đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan đã tăng mạnh trong năm 2020, lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019.Đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan đã tăng mạnh trong năm 2020, lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019.

Kết quả điều tra cho thấy ngành sản xuất đường mía trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề trong thời gian vừa qua. Một loạt các nhà máy đường đã phải đóng cửa, gây tác động nghiêm trọng đến việc làm của người lao động. Theo tính toán, đã có 3.300 người lao động bị mất việc làm và 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất trong nước. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019.

Kết quả điều tra cho thấy các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, bao gồm đường tinh luyện và đường thô, đã được trợ cấp, bán phá giá ở mức 48,88%. Do đó, mức thuế CBPG, CTC tạm thời với các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan là 48,88%.

Tuy nhiên, sau khi cân nhắc tác động kinh tế - xã hội theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, nhằm đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người nông dân, ngành sản xuất, chế biến đường trong nước (gồm cả tạo điều kiện về nguyên liệu cho sản xuất), người tiêu dùng; căn cứ trên thông tin thu thập, tính toán được trong quá trình điều tra, ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các bên liên quan khác, Bộ Công Thương quyết định tạm thời thu thuế CBPG, CTC đối với đường thô có xuất xứ Thái Lan ở mức 33,88%. Mức thuế này sẽ được rà soát thường xuyên để bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng nếu có biểu hiện chuyển mạnh từ nhập khẩu đường tinh luyện, đường trắng sang nhập khẩu đường thô để lẩn tránh thuế CBPG, CTC ở mức cao hơn.

Theo các cơ quan chức năng, kể từ khi ATIGA có hiệu lực, lượng đường nhập khẩu đổ về Việt Nam rất lớn. Đáng chú ý, ngành mía đường các quốc gia lân cận đang được tài trợ rất lớn. Đơn cử, Chính phủ Thái Lan đến ngày 30/6 đã thống nhất tài trợ cho ngành đường Thái Lan 10 tỷ Bath, tương đương 317 triệu USD. Quỹ mía đường của Thái Lan giúp cả nông dân, doanh nghiệp đường và doanh nghiệp sản xuất điện từ bã mía đều được lợi. Ấn Độ cũng công bố mỗi năm tài trợ 145 USD/tấn đường xuất khẩu, khiến giá đường rất cạnh tranh.

Sự bảo hộ của nhiều quốc gia khiến cạnh tranh trên thị trường không lành mạnh, vì vậy, đường Việt Nam không cạnh tranh được với các nước, mặc dù công nghệ đã có sự cải tiến tốt. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách để hạn chế hoặc loại bỏ sự không công bằng đó.

Ngoài những khó khăn về cạnh tranh thiếu lành mạnh, hiện diện tích vùng nguyên liệu mía bị thu hẹp gần 50%, nhiều nhà máy đã không có mía để hoạt động. Bên cạnh đó, vốn cho hoạt động sản xuất cạn kiệt, hiện các nhà máy đường rất khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại phục vụ cho công tác chuẩn bị sản xuất và phát triển vùng nguyên liệu. “Cú đấm kép” từ dịch Covid-19 khiến nhu cầu đường sụt giảm, cộng với khó khăn do cạnh tranh không lành mạnh đang khiến ngành mía đường lao đao. Do đó, việc áp dụng các biện pháp kịp thời của các cơ quan chức năng là giải pháp quan trọng giúp ngành mía đường vượt qua khó khăn.

Trong thời gian tới, để đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan, thẩm tra xác minh số liệu và tổ chức phiên tham vấn công khai để tất cả các bên có cơ hội bày tỏ ý kiến của mình, đồng thời đánh giá tác động toàn diện của vụ việc đến các bên liên quan. Vụ việc dự kiến sẽ kết thúc điều tra vào Quý II năm 2021.

TH

Cùng chuyên mục