Theo Bộ KH&ĐT, bức tranh kinh tế cả nước trong 6 tháng có nhiều điểm sáng, các ngành, lĩnh vực như dệt may, da giày, chế biến thủy sản, du lịch, điện tử… có tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021.
Sáng 29/6, Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý II/2022 và 6 tháng đầu năm 2022. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương chủ trì họp báo.
Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Hương đã công bố những vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam trong quý II/2022 và 6 tháng đầu năm 2022.
Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, GDP tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của nước ta đã khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Một số ngành đã có mức tăng cao hơn trước khi dịch Covid-19 xuất hiện như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa…
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78% (đóng góp 5,07%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,70% (đóng góp 48,33%). Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 9,66%. khu vực dịch vụ tăng 6,60%, (đóng góp 46,60%).
Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,05%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 39,30%; khu vực dịch vụ chiếm 40,63%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,02%.
Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,06% so với cùng kỳ năm 2021; tích lũy tài sản tăng 3,92%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9,10%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,41%.
Điểm sáng đầu tiên trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm 2022
6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 15,5%. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 710 triệu USD.
Cùng với đó, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội và Chính phủ đúng hướng và hiệu quả đã tạo niềm tin cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có 76,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số lao động đăng ký 514,8 nghìn, tăng 13,6% về số doanh nghiệp và tăng 6,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước; tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 2.730 nghìn tỷ đồng, tăng 30,3%...
Đánh giá cao khả năng chống chịu của kinh tế Việt Nam với nhiều tín hiệu phục hồi tích cực, đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chia sẻ tổ chức này giữ dự báo tăng trưởng năm nay của Việt Nam là 6,6%, năm sau là 7,2%; WB nâng dự báo từ mức 5,5% ở dự báo đầu năm lên 5,8%.
Theo nhiều địa phương, dù kết quả 6 tháng lạc quan nhưng còn nhiều khó khăn, nổi lên là vấn đề thiếu hụt lao động; giải ngân đầu tư công, đặc biệt là ODA chậm; giá tăng làm chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh tăng rất cao… Đại diện IMF nhận định, kinh tế Việt Nam phục hồi nhưng chưa đồng đều, tiềm ẩn rủi ro tài chính, gia tăng lạm phát, giảm tăng trưởng... Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khuyến nghị, cần lưu ý về thời gian tác dụng của vaccine; tình trạng thiếu vật tư thiết bị, nhân sự trong lĩnh vực y tế để sẵn sàng ứng phó với những biến thể Covid-19 mới trong thời gian tới.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho biết, bên cạnh những dự báo tăng trưởng GDP trên dưới 6 - 6,5%, cũng bắt đầu có dự báo tăng trưởng năm nay chỉ trên dưới 5%. Mức tăng trưởng 5% của năm nay trên một nền rất thấp của năm ngoái là đà phục hồi rất chậm. Vì thế, cần xây dựng nhiều kịch bản, gồm cả kịch bản xấu hơn.
Chuyên gia kinh tế Bùi Tất Thắng khuyến nghị, đầu tiên cần xây dựng đúng tiến độ các quy hoạch, vì hiện có một số dự án lớn muốn đầu tư nhưng chần chừ chờ quy hoạch. Cần bảo đảm tiến độ đầu tư công, đồng thời cố gắng hoàn thành dứt điểm, đưa vào hoạt động các công trình dang dở nhiều năm nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho đời sống người lao động, tập trung cho các khu công nghiệp lớn. Ông Thắng cũng đề xuất nên công bố giảm thuế xăng dầu có thời hạn để giảm áp lực lên lạm phát.
Ông Đoàn Hồng Quang, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam còn dư địa tài khóa tốt hơn so với đại bộ phận quốc gia trên thế giới, nợ công thấp hơn ngưỡng rất nhiều, 6 tháng đầu năm bội thu NSNN, có thể thực thi các giải pháp tài khóa mạnh mẽ để phục hồi kinh tế nhanh hơn.
Ngọc Linh