Theo đại diện Hiệp hội Phân bón Việt Nam, một trong những nguyên nhân khiến giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng lên do toàn bộ chi phí phát sinh về thuế VAT được các doanh nghiệp tính vào chi phí sản xuất.
Ông Vũ Xuân Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, cho biết, trong suốt 7 năm qua, doanh nghiệp phân bón không được khấu trừ thuế đầu vào nên đã bị thiệt hại trung bình 90-100 tỷ đồng/năm. Điều này làm cho giá thành sản phẩm tăng lên 6-7% và bắt buộc phải tính vào giá bán.
Vì vậy, theo ông Hồng, cần sửa đổi Luật số 71/2014/QH13, tính toán áp thuế VAT đối với phân bón một cách hợp lý, khoảng 4-5%, để bảo đảm cạnh tranh cho phân bón nhập khẩu và phân bón sản xuất trong nước.
Đề xuất áp thuế VAT đối với phân bón.
Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 quy định, phân bón là đối tượng chịu thuế VAT với thuế suất 5%. Tuy nhiên, Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế lại quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế VAT.
Quy định này khiến các doanh nghiệp sản xuất trong nước không được khấu trừ, hoàn thuế VAT của hàng hóa, dịch vụ đầu vào. Từ đó, giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng lên do toàn bộ chi phí phát sinh về thuế VAT được các doanh nghiệp tính vào chi phí sản xuất.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thống nhất cần thiết thay đổi chính sách thuế VAT của phân bón theo hướng thuộc đối tượng chịu thuế.
Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã đề nghị Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, sửa đổi luật theo hướng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế VAT với mức thuế suất hợp lý tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước.
Bên cạnh đó, để không ảnh hưởng đến nông dân, ông Đạt cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong nước cần phải tăng cường quản trị, rà soát để tiết giảm tối đa chi phí, từ đó giảm giá thành và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Lê Khánh