Trong những năm gần đây than hoạt tính đã trở thành một thành phần phổ biến của các loại mỹ phẩm nhưng thành phần này có thực sự hiệu quả như quảng cáo.
Than hoạt tính là gì?
Ngày nay trong cuộc sống của chúng ta có rất nhiều sản phẩm ứng dụng than hoạt tính mà trong mỗi gia đình đều có sử dụng như máy lọc nước, máy hút khói khử mùi bếp, lọc khử mùi máy lạnh... Không chỉ dừng ở đó, ngay cả đến mỹ phẩm dùng hàng ngày của phái đẹp hay gia đình cũng được làm từ than hoạt tính. Đó là chưa kể đến sự xuất hiện của nó trên mảng thực phẩm như café, kem, bánh quy và rất nhiều loại đồ ăn khác khiến chúng có màu đen.
Riêng trong thị trường mỹ phẩm, than hoạt tính đã trở thành loại nguyên liệu phổ biến. Thành phần này hiện được sử dụng nhiều trong các sản phẩm trang điểm như: bút kẻ mắt, mascara, phấn mắt, phấn tạo khối, son môi…Tuy nhiên, chỉ có duy nhất một vấn đề không có bằng chứng nào cho thấy nó có hiệu quả, thậm chí một vài trường hợp còn ngược lại.
Than hoạt tính hay còn được gọi là Activated Carbon là một dạng carbon được xử lý hoạt hóa ở nhiệt độ hơi nước 900 – 1000 0C trong môi trường yếm khí. Đây là một loại carbon có cấu trúc mao mạch rất lớn làm tăng diện tích bề mặt tiếp xúc, khối lượng riêng thấp.
Bản thân than chỉ đơn giản là lượng carbon còn lại sau quá trình đốt cháy từ từ các nguyên liệu giàu carbon, ví dụ như gỗ, xơ dừa hay thậm chí là đường. Than có khối lượng riêng nhẹ, dễ mang theo và có thể đốt cháy trong thời gian dài ở nhiệt độ thích hợp. Nhờ vào những đặc tính đó mà con người đã sử dụng than làm nhiên liệu từ hàng nghìn năm nay. Thậm chí ở thời Hippocrates (khoảng 500 năm sau Công nguyên), đã có người sử dụng than làm kem đánh răng do có tính mài mòn.
Theo David Juurlink, dược sĩ tại ĐH Toronto (Canada) cho biết, các tài liệu ghi chép lại cho thấy than được sử dụng qua đường tiêu hóa từ thế kỷ thứ 19, khi đó các bác sĩ sử dụng than để chữa ngộ độc thực phẩm. Khi trộn bột than với nước, hỗn hợp bùn than sẽ hút chất độc bám vào bề mặt của nó, từ đó giảm lượng chất độc ngấm vào cơ thể. Hiện nay, các bác sĩ vẫn cho bệnh nhân uống thuốc quá liều hoặc bị ngộ độc sử dụng than hoạt tính. Hỗn hợp bùn than sẽ được đưa vào cơ thể bằng cách uống trực tiếp hoặc sử dụng ống thông đưa thẳng xuống dạ dày và nó sẽ hút những chất độc nguy hiểm bám vào.
Mỹ phẩm chứa than hoạt tính có thực sự hiệu quả?
Thực tế than hoạt tính không giúp thải độc cơ thể hay làm cho khỏe mạnh hơn. Và chắc chắn nó cũng không có tác dụng gì khi bôi lên da như những quảng cáo mỹ phẩm mô tả.
Khoảng từ năm 2014, các công ty mỹ phẩm bắt đầu quảng cáo rầm rộ về sản phẩm chứa than hoạt tính, đặc biệt là những sản phẩm trị mụn trên thị trường. Vì có chứa than hoạt tính, nên sản phẩm mặc nhiên được cho là có thể làm sạch lỗ chân lông và từ đó giảm mụn trên da.
Mỹ phẩm chứa than hoạt tính chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy hiệu quả và an toàn
Theo một bài nghiên cứu được thực hiện bởi ĐH Miami (Mỹ) vào tháng 7/2019, có "rất ít đến không có" bằng chứng chứng minh những công dụng mà các công ty mỹ phẩm đang quảng cáo về than hoạt tính. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy việc sử dụng than hoạt tính trong các loại mỹ phẩm không được kiểm soát. Nguyên nhân là vì những sản phẩm này không có công dụng điều trị hay chữa trị một chứng bệnh cụ thể nào, do vậy Cục quan lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) không bắt buộc phải quản lý về thành phần hay cách thức quảng cáo.
"Vì có rất ít nghiên cứu về tác động của than lên da, nên những sản phẩm này cần sử dụng có chừng mực và thận trọng", các nhà nghiên cứu của ĐH Miami cho biết. Và đặc biệt chú ý đến những sản phẩm được quảng cáo là có thể làm sạch lỗ chân lông đến mức có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Nếu trong quá trình sử dụng sản phẩm cảm thấy đau hoặc bị kích ứng, hãy ngưng sử dụng ngay lập tức dù nó làm da sạch đến đâu.
Thông tin thêm về than hoạt tính trong mỹ phẩm, TS Phạm Văn Nho, Phòng Vật lý ứng dụng, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết: “Các loại mỹ phẩm chủ yếu có tác dụng làm sạch chứ không có tác dụng thải độc, dù được làm bằng nguyên liệu gì. Người tiêu dùng không nên lầm tưởng”.
TS Phạm Văn Nho cũng khẳng định, than hoạt tính có diện tích bề mặt lớn hơn nhiều lần vật liệu khác nên có khả năng hút một số chất. Tuy nhiên, khi được chọn là nguyên liệu để sản xuất mỹ phẩm như xà phòng, dầu gội, sữa rửa mặt, than hoạt tính đã tự nó hút hết các thành phần có trong các sản phẩm này rồi.
Vì thế, than hoạt tính gần như không có tác dụng gì trong việc lọc hóa chất, thải độc hay diệt khuẩn. Đáng tiếc là một số đơn vị sản xuất dựa vào sự hiểu biết nhập nhèm của người tiêu dùng để quảng cáo “vống” lên những tác dụng, khiến người tiêu dùng lầm tưởng về tác dụng thực sự của sản phẩm. Khi trộn than hoạt tính vào mỹ phẩm, tự nó đã hút hóa chất trong mỹ phẩm nên nó trở nên bão hòa. Than hoạt tính chỉ có tác dụng khi dùng nó để hấp thụ một số hóa chất chứ không trộn chung vào hóa chất.
TS Phạm Văn Nho cho biết thêm, sản phẩm than hoạt tính cũng giống như một số sản phẩm khác trên thị trường, bị quảng cáo thổi phồng tác dụng. Trong khi người tiêu dùng có rất ít thông tin và hiểu biết khá lờ mờ về tác dụng của các loại sản phẩm này. Vì vậy vấn đề đặt ra đó là cần thành lập một hội đồng kiểm tra lại tính xác thực của các thông tin quảng cáo. Yêu cầu nhà sản xuất phải chứng minh được tác dụng thực sự của sản phẩm, tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Theo Vietq