Nhập lậu hương nhang vào Ấn Độ: Đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”

Đầu tháng 9/2019, Ấn Độ dừng việc nhập khẩu hương nhang Việt Nam với lý do tăng hàng sản xuất trong nước của họ để bù lượng thiếu hụt. Quyết định này gây ra thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam và sự hỗn loạn tại thị trường Ấn Độ do họ đang nhập khẩu đến 80% hương từ Việt Nam và Trung Quốc, trong đó phần lớn là Việt Nam.

Trước thời điểm quyết định do phía Ấn Độ ban hành, Việt Nam có hơn 100 doanh nghiệp; khoảng 2,5 vạn lao động nông thôn cung cấp nguyên liệu tăm tre, keo, mùn cưa, bột than củi... hoặc trực tiếp sản xuất, gia công loại hương nhang này. Tính trung bình, mỗi tháng các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu khoảng hơn 300 công hàng hương nhang sang thị trường Ấn Độ (kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Ấn Độ năm 2018-2019 là 76,85 triệu USD).

Từ thời điểm đó đến nay, mặc dù đã có những nỗ lực tác động của các cơ quan hữu quan của Việt Nam, các hiệp hội ngành hàng cũng như doanh nghiệp của cả 2 nước song phía Ấn Độ “mở” rất hạn chế cho nhập khẩu hương nhang Việt Nam.

Ấn Độ từng là thị trường chính của hương nhang Việt Nam.Ấn Độ từng là thị trường chính của hương nhang Việt Nam. (Ảnh: NT)

Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ đã “bắt tay” để đưa hương nhang vào quốc gia Nam Á theo đường không chính tắc. Theo Công văn số 5685/BCT-AP ngày 04/8/2020 của Bộ Công Thương gửi Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho biết: Ngày 30/7/2020, Hải quan Ấn Độ đã phát hiện và bắt giữ một công ty Ấn Độ nhập lậu hương nhang với khối lượng lớn từ Việt Nam vào nước này, dưới hình thức khai báo hải quan là “bột bời lời” - Joss Powder (mã HS 12119029, một loại nguyên liệu để sản xuất hương nhang); để né tránh quy định về hạn chế nhập khẩu hương nhang của Ấn Độ, cũng như nhằm hưởng mức thuế ưu đãi nhập khẩu 0% đối với bột bời lời vào Ấn Độ theo quy định của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ.

Các cơ quan chức năng của Ấn Độ, đặc biệt là cơ quan hải quan đang triển khai các biện pháp để điều tra, phát hiện, xử lý các công ty, cá nhân có hành vi buôn lậu hương nhang từ Việt Nam vào Ấn Độ. Điều này có thể sẽ dẫn đến tình trạng đình trệ cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ, gây bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.

Ngành Công Thương đề nghị các địa phương nói chung, Hải Dương nói riêng, cảnh báo các doanh nghiệp có quan hệ thương mại với Ấn Độ trong lĩnh vực hương nhang cần cẩn trọng trong giao dịch, tránh bị lợi dụng hoặc tiếp tay cho doanh nghiệp Ấn Độ thực hiện hoạt động buôn lậu, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh hàng hóa Việt Nam tại thị trường Ấn Độ.

NGUYỄN TRANG

Cùng chuyên mục