Phát hiện nhiều website bán hàng trực tuyến có dấu hiệu vi phạm

Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh vừa có công văn số 2997 gửi tới Cục QLTT các tỉnh, thành phố trong cả nước đề nghị kiểm tra, xử lý các đối tượng có dấu hiệu vi phạm trên môi trường thương mại điện tử (TMĐT).

Công văn của Tổng cục QLTT nêu rõ: Qua rà soát, Tổng cục QLTT phát hiện nhiều đối tượng có dấu hiệu vi phạm sử dụng website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc mạng xã hội để kinh doanh.

Theo đó, Tổng cục QLTT đề nghị Cục QLTT các tỉnh, thành phố chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, khẩn trương tổ chức kiểm tra các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm theo danh sách 600 website đã được Tổng cục QLTT cung cấp tới 63 Cục QLTT địa phương; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi, vi phạm theo quy định của Luật (nếu có).

Tổng cục QLTT yêu cầu các đơn vị cần nghiêm túc triển khai thực hiện và báo cáo kết quả xử lý về Tổng cục trước ngày 15-11-2024.

Thời gian qua, lực lượng chức năng mà tiên phong là lực lượng QLTT cả nước, Ban Chỉ đạo 389 Trung ương và các tỉnh cùng lực lượng chức năng luôn tích cực đấu tranh, ngăn chặn nhiều vụ việc lớn có vi phạm trên môi trường TMĐT.

Tính riêng trong 9 tháng năm 2024, lực lượng QLTT cả nước đã phát hiện, xử lý 2.014 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 35,4 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 29,4 tỷ đồng.

Đáng lưu ý là cả 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều xảy ra các vi phạm trên môi trường online. Trong đó, các địa phương có số vụ xử lý cao, gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đà Nẵng, Đồng Nai, Đồng Tháp, Cao Bằng, Gia Lai, Hà Giang, Ninh Bình, Nghệ An, Thái Bình, Thái Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ninh, Quảng Trị, Tiền Giang.

Những vụ vi phạm lớn được xử lý, tạo tiếng vang thời gian qua có thể kể đến như việc lực lượng QLTT đã triệt phá kho hàng lớn, kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu bằng hình thức livestream trên các nền tảng mạng xã hội như: Tiktok, Facebook (Mailystyle.com).

Tài khoản này có hàng trăm nghìn lượt xem và đặt hàng; hàng hóa vi phạm đã kiểm đếm gồm 126.603 sản phẩm thuộc 242 chủng loại hàng hóa các loại gồm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm và hàng gia dụng do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc với trị giá hàng hóa vi phạm trên 20 tỷ đồng.

Đây là vụ việc vi phạm điển hình trong kinh doanh trên TMĐT có tính chất, quy mô phức tạp.

Theo đánh giá của Tổng cục QLTT, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này xuất phát từ việc môi trường để hàng giả đưa vào lưu thông càng ngày càng trở nên dễ dàng. Ví dụ, như kinh doanh công khai trên các mô hình kinh doanh online, sàn giao dịch TMĐT khiến lực lượng chức năng rất khó đối phó.

Đáng chú ý, hiện nay còn có tình trạng các đối tượng đăng thông tin hoặc livestream bán hàng ở một nơi nhưng kho ở một nơi hoặc thậm chí bán hàng qua các trung gian để kiếm lời hoặc chia kho ra ở rất nhiều các tỉnh, thành phố khác nhau. Do vậy, cơ quan chức năng khi đi kiểm tra, xử lý vi phạm hết sức khó khăn.

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường TMĐT, Tổng cục QLTT cho biết, lực lượng QLTT tiếp tục thay đổi toàn diện phương thức hoạt động kiểm tra, kiểm soát.

Theo đó, ưu tiên phòng ngừa, giám sát, tăng cường kiểm tra đột xuất, chuyên đề, hậu kiểm, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Cùng với đó, tập trung xây dựng lực lượng QLTT tinh nhuệ, chủ động, thống nhất, phản ứng nhanh, liên tục, thông suốt hiệu quả 24/7.

Đặc biệt, sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý địa bàn tập trung; đưa các giải pháp về công nghệ áp dụng vào quá trình giám sát, phòng ngừa. Tập trung triển khai Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.

PV

Cùng chuyên mục