Thời gian qua, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành và duy trì các tiêu chí về an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng xây dựng chợ an toàn thực phẩm.
Việc triển khai xây dựng chợ an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn
Cùng với các tiêu chí đề ra, Thanh Hóa quan tâm phát triển hệ thống thương mại theo hướng văn minh, hiện đại và bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, đến hết quý I/2022, toàn tỉnh có 230 chợ hợp chuẩn chợ kinh doanh an toàn thực phẩm và 410 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn tại 26/27 huyện, thị xã, thành phố.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai xây dựng chợ an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Bởi lẽ, các chợ chủ yếu là chợ hạng 2, hạng 3, cơ sở hạ tầng đã xuống cấp và cần có sự đầu tư cải tạo phù hợp với mục đích sử dụng.
Các mặt hàng tươi sống, rau củ quả được tiểu thương nhập ở nhiều nơi nên khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát nguồn hàng. Bên cạnh đó, một bộ phận các tiểu thương vẫn chạy theo lợi nhuận, kinh doanh các sản phẩm không đạt chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Để mô hình chợ an toàn thực phẩm được nhân rộng và phát huy hiệu quả, rất cần sự chung tay và nỗ lực của các ban, ngành, địa phương. Đối với các huyện, thị xã, tiếp tục thực hiện, duy trì các mục tiêu, chỉ tiêu an toàn thực phẩm, nhất là tiêu chí chợ an toàn thực phẩm.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh và người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ sản phẩm an toàn, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.
Thủy Hương