“Loạn” thực phẩm chức năng tăng chiều cao

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người già và trẻ em ít ra ngoài vận động nên dễ thiếu vitamin D, canxi. Điều này khiến nhiều gia đình lo lắng về sự phát triển chiều cao ở trẻ.

Ăn thừa chất, chưa kịp cao đã... béo phì

Cuộc sống đủ đầy, các gia đình đều rất quan tâm đến việc phát triển thể chất, đặc biệt là chiều cao cho trẻ nhỏ. Bên cạnh yếu tố di truyền, dinh dưỡng là yếu tố then chốt, quyết định đến sự tăng trưởng chiều cao. Ngay từ giai đoạn sơ sinh, các bà các mẹ đã cho con cháu mình uống nhiều sữa và các chế phẩm từ sữa, ăn các thức ăn giàu đạm...

Với suy nghĩ “ăn gì bổ nấy”, hy vọng “ăn xương bổ xương”, không ít gia đình thường xuyên cho con ăn nhiều loại súp, cháo được nấu với nước ninh nhừ từ xương các loại động vật. Nhưng, theo các chuyên gia dinh dưỡng, dù trong xương có nhiều canxi nhưng đều ở dạng vô cơ, rất khó hấp thu. Việc ninh nấu tốn thời gian nhưng lượng canxi vẫn tồn tại trong xương chứ không hòa tan ra nước. Vì thế, lượng canxi mà bé hấp thu được rất nhỏ so với nhu cầu hằng ngày. Hơn nữa, nước hầm xương có nhiều chất béo, nếu ăn thường xuyên sẽ gây đầy bụng, chán ăn, rối loạn tiêu hóa.

Tương tự, nhiều gia đình bổ sung canxi cho con bằng các loại hải sản, thậm chí ăn cả lớp vỏ cứng của tôm. Thực tế, tôm giàu canxi nhưng canxi tập trung ở thịt của tôm chứ không nằm ở vỏ. Ngoài ra, trẻ nhỏ có thể bị hóc, nghẹn, khó tiêu hóa khi ăn tôm cả vỏ.

Nếu lạm dụng các thuốc hoặc thực phẩm chức năng tăng trưởng chiều cao thì có thể dẫn tới tình trạng dư thừa dưỡng chất.Nếu lạm dụng các thuốc hoặc thực phẩm chức năng tăng trưởng chiều cao thì có thể dẫn tới tình trạng dư thừa dưỡng chất

Một bữa ăn đầy đủ chất sẽ hỗ trợ cho việc phát triển chiều cao của trẻ, nhưng nếu ăn thừa chất thì trẻ dễ béo phì.

Bổ sung sai cách với thực phẩm chức năng tăng chiều cao

Muốn trẻ phát triển chiều cao tối ưu thì bên cạnh việc bổ sung dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hấp thu các vitamin D, K, canxi..., việc vận động cũng rất quan trọng. Trẻ tiếp xúc nhiều với ánh nắng sẽ hấp thu tốt nhất vitamin D tự nhiên. Đây là dưỡng chất giúp cơ thể khỏe mạnh và hỗ trợ quá trình phát triển chiều cao của bé.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch, trẻ không đến trường, không được tham gia các hoạt động thể chất ngoài trời mà chủ yếu phải ở trong nhà. Biết được nỗi lo lắng về sự phát triển chiều cao của trẻ em trong giai đoạn dịch bệnh của các bậc phụ huynh, nhiều trang mạng ra sức quảng cáo về các loại thực phẩm chức năng giúp tăng chiều cao “siêu tốc”. Nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng được quảng cáo có xuất xứ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Australia..., được cho là phù hợp với người từ 3 - 27 tuổi.

PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh, Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết: “Trẻ từ 1 - 2 tuổi mỗi tháng có thể cao từ 1 tới 2cm. Tuy nhiên, tới tuổi học sinh, tốc độ tăng trưởng chiều cao sẽ chậm lại. Tới tuổi dậy thì, chiều cao của trẻ lại tăng nhanh chóng. Vậy nên, nhiều thực phẩm chức năng được quảng cáo mập mờ rằng giúp tăng chiều cao từ 1 - 5cm mỗi tháng sẽ làm cho mọi người hiểu lầm”.

Nhiều sản phẩm liên quan tới tăng trưởng chiều cao hiện được quảng cáo là có các thành phần bổ sung vitamin, chất khoáng, canxi, sắt, kẽm, đạm, protein... Tuy nhiên, tất cả các yếu tố này chỉ có tính chất giúp bổ sung sự thiếu hụt trong khẩu phần ăn hằng ngày.

Nếu lạm dụng các thuốc hoặc thực phẩm chức năng tăng trưởng chiều cao thì có thể dẫn tới tình trạng dư thừa dưỡng chất. Thừa canxi, vitamin D sẽ dẫn tới ức chế hấp thu các vitamin và chất khoáng khác. Đặc biệt, những loại vitamin hòa tan trong dầu như vitamin B, vitamin K khi thừa sẽ tích tụ lại, dẫn tới ngộ độc. Thường gặp nhất là những vấn đề về thần kinh, căng thẳng, mất ngủ, ăn không ngon, rối loạn tiêu hóa...

“Nếu lo lắng về sự phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ, các gia đình cần cho con tới khám tại chuyên khoa dinh dưỡng ở các cơ sở y tế để được đánh giá chính xác về mức độ phát triển của trẻ có bình thường hay không, cần thiết phải bổ sung gì cho trẻ” - PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh cho biết. Mọi người không nên chạy theo nội dung quảng cáo "một tấc đến giời" trên mạng xã hội, bởi điều đó có thể gây hại cho sức khỏe của con.

 Bảo Ngọc

Cùng chuyên mục