Thiết lập y tế số để truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng thuốc

Xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số và thiết lập nền tảng y tế số trong lĩnh vực dược phẩm nhằm thiết lập đồng bộ hệ thống theo dõi, giám sát về hoạt động cung ứng thuốc và tối ưu hóa sử dụng thuốc trên người bệnh. Từ đó có các chính sách quản lý ngành dược phù hợp nhằm sẵn sàng đảm bảo đáp ứng nhu cầu về thuốc trong các tình huống khẩn cấp.

Diễn đàn đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế lần thứ 2 do Pharma Group tổ chức tại Hà Nội.Diễn đàn đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế lần thứ 2 do Pharma Group tổ chức tại Hà Nội.

Đó là một trong những nội dung trọng tâm trong Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thông tin tại Diễn đàn đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế lần thứ 2 do Pharma Group tổ chức.

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, để tạo động lực cho ngành dược Việt Nam phát triển trong thời gian tới, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có đặt ra mục tiêu "Đến năm 2030 trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Phấn đấu giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 1 tỷ USD".

Và mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 9/10/2023 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Chiến lược đề ra các giải pháp nhằm phát triển ngành dược trong giai đoạn tới, bao gồm lĩnh vực từ sản xuất, phân phối, lưu thông, bảo đảm chất lượng thuốc, sử dụng thuốc hợp lý, an toàn…

Để phát triển ngành dược Việt Nam trong giai đoạn tới, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, trọng tâm của chiến lược quốc gia sẽ tập trung vào một số điểm mới, mang tính đột phá, cụ thể:

Thứ nhất là phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đạt trình độ cao. Từ đó, hướng tới sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, thuốc sinh học, phấn đấu đạt cấp độ 4 theo phân loại đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Thứ hai là nâng cao vai trò của ngành dược không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo cung cấp thuốc mà còn tham gia vào cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng cũng như trong các cơ sở y tế thông qua việc tăng cường giám sát sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.

Thứ ba là xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số và thiết lập nền tảng y tế số trong lĩnh vực dược phẩm nhằm thiết lập đồng bộ hệ thống theo dõi, giám sát về hoạt động cung ứng thuốc và tối ưu hóa sử dụng thuốc trên người bệnh.  (như: Thiên tai, thảm họa, dịch bệnh); đồng thời dễ dàng thực hiện truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, quản lý chất lượng thuốc.

Việt Nam phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Ảnh minh họaViệt Nam phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đang ngày càng tăng cao, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế nói chung đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe, tăng cường khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh, cũng như thúc đẩy sự tiến bộ trong nghiên cứu y học.

Chính vì vậy, việc áp dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, thực tế ảo, blockchain và robot học hay Telehealth - khám, chữa bệnh từ xa… đã được áp dụng rộng rãi trong y tế giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe con người. 

Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện về thể chế, pháp luật; quy hoạch; đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường liên kết, tham gia chuỗi giá trị trong ngành dược; nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát thị trường thuốc, nguyên liệu làm thuốc; đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả; khoa học công nghệ, nhân lực và đào tạo; hợp tác quốc tế; công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ 4.0 gắn với triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số để hiện đại hóa ngành dược; thông tin, truyền thông.

Rà soát, quy hoạch hệ thống cung ứng thuốc đảm bảo chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả; chú trọng phát triển hệ thống cung ứng thuốc cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối, cung ứng thuốc trong nước hướng tới hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả; quản lý chặt chẽ chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc toàn diện từ khâu sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, bảo quản, lưu thông, phân phối đến sử dụng thuốc; kiên quyết phòng ngừa, đấu tranh, xử lý đối với các thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Đồng thời, tăng cường hệ thống thanh tra và kiểm tra hậu mại đối với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dược nhằm đảm bảo trật tự, kỷ cương và tăng cường sự tuân thủ pháp luật về dược.

Cùng với đó, tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép dược liệu qua biên giới; kiểm tra chặt chẽ hồ sơ và hàng hóa xuất nhập khẩu dược liệu khi có dấu hiệu nghi vấn để phát hiện vi phạm và ngăn chặn dược liệu có nguồn gen đặc hữu, quý hiếm trong nước vận chuyển ra nước ngoài. Cải thiện chất lượng hoạt động cảnh giác dược tại các cơ sở khám chữa bệnh, nhà thuốc; tập trung nâng cao vai trò và năng lực của dược sĩ trong thực hành tư vấn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả từ tuyến trung ương đến tận tuyến y tế cơ sở.

 Mai Anh

Bài liên quan

Cùng chuyên mục