Sau nhiều năm triển khai xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14, nợ xấu ngành ngân hàng được kiểm soát. Tuy nhiên, sự bùng phát của dịch COVID-19 tiềm ẩn “bóng ma” nợ xấu cao quay trở lại. Gần đây nhất, báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, nợ xấu đang tăng mạnh trở lại trong quý 1/2021.
Hơn 91.000 tỷ đồng nợ xấu của các ngân hàng
Báo cáo tài chính quý 1/2021, nhiều ngân hàng có nợ xấu tăng mạnh. Như ACB nợ xấu tăng 61% lên 2.954 tỷ đồng. Theo báo cáo phân tích của SSI Research, ACB đã chủ động phân loại lại nợ của một khách hàng doanh nghiệp lớn có thể gặp khó khăn trong tương lai. Ngoài ra, các ngân hàng đang nắm giữ số lượng nợ xấu cao trong hệ thống gồm: Ngân hàng VPBank nợ xấu tương ứng hơn 10.420 tỷ đồng, VietinBank nợ xấu hiện khoảng hơn 8.950 tỷ đồng. Vietcombank nợ xấu lên hơn 7.690 tỷ đồng. MB lên hơn 4.180 tỷ đồng.
“Việc Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ làm cho bức tranh nợ xấu chưa phản ánh đúng thực tế. Các ngân hàng không phải trích lập dự phòng, làm giảm chi phí dự phòng, gia tăng lợi nhuận nhưng rủi ro cũng tăng lên”, báo cáo của Cty CP chứng khoán BOS cho biết.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng chỉ ra rằng nguyên nhân nợ xấu tăng cao ở những ngân hàng như ACB, Vietcombank hay MB là do sự chủ động phân loại lại nợ để bắt đầu xử lý các khoản nợ.
Còn hiện tại theo ông , cách tốt nhất trong bối cảnh dịch COVID-19 đang quay lại, các ngân hàng cần chấp nhận hy sinh lợi nhuận, tăng cường trích lập dự phòng để tăng sức chống chịu trong tương lai.
Nợ xấu bán chẳng ai mua?
Trước tình hình nợ xấu nguy cơ tăng trở lại, nhiều ngân hàng liên tục thông báo phát mãi tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, với những khoản nợ có trị giá từ vài trăm triệu đến hàng nghìn tỷ đồng.
Mới đây BIDV đã có thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Bách Giang, Công ty TNHH Xây dựng thương mại Cao Nguyên. Tổng trị giá khoảng 236 tỷ đồng, bao gồm toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản đầu tư trên đất, giá trị quyền sử dụng đất…
Ngân hàng MB thông báo về việc chào bán khoản nợ Công ty TNHH MTV Dệt 19-5 Hà Nội với giá trị khoản nợ bao gồm cả nợ gốc và nợ lãi lên tới hơn 322 tỷ đồng, với tài sản bao gồm bất động sản, hạ tầng, ô tô…
Ảnh minh họa
Ông Phạm Xuân Hòe - nguyên Viện phó Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, khi nền kinh tế khó khăn, việc xử lý nợ xấu khá khó khăn. Chỉ khi nào, nền kinh tế hanh thông trở lại, người dân cảm thấy lạc quan vào sản xuất kinh doanh, việc phát mãi tài sản mới thuận lợi.
“Kinh tế khó khăn, người dân có xu hướng thu hẹp chi tiêu. Điều này khiến việc xử lý nợ xấu, phát mãi bán tài sản khó khăn hơn”, ông Hòe đánh giá.
Tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2020, định hướng hoạt động năm 2021, lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cho biết, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng tới mọi hoạt động đời sống kinh tế xã hội nên VAMC cũng không tránh khỏi những tác động, nhất là liên quan đến xử lý nợ xấu. Trong năm 2020, VAMC mua 222 khoản nợ xấu theo giá trị thị trường của 135 khách hàng với giá mua là 1.498 tỷ đồng, giúp xử lý 1.952 tỷ đồng dư nợ gốc cho tổ chức tín dụng.
“Giãn cách xã hội kéo dài làm cho các hoạt động nghiệp vụ của VAMC đã bị gián đoạn, ảnh hưởng. VAMC phải thay đổi hình thức thực hiện từ trực tiếp sang trực tuyến, hoạt động mua bán nợ thị trường gặp phải nhiều khó khăn, cán bộ VAMC không thể đi khảo sát tài sản, trao đổi làm việc với khách hàng, các nhà đầu tư quan tâm mua nợ, mua tài sản”, đại diện VAMC cho biết.
Ngọc Linh (Tiền Phong)