Từ đầu năm 2022 đến nay, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ gần 100.000 vụ vi phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Thời gian qua, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tuy không diễn biến quá phức tạp, ít phát sinh các điểm nóng nhưng tại các địa bàn trọng điểm trên tuyến biên giới Tây Nam, tuyến biển, tuyến đường hàng không và bưu chính quốc tế, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả lại có xu hướng gia tăng.
Báo cáo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho thấy, trong 9 tháng năm 2022, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện gần 100.000 vụ việc vi phạm; trong đó hơn có 12.200 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; gần 83.000 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; trên 1.800 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Cơ quan điều tra đã khởi tố 380 vụ với 472 đối tượng; thu nộp ngân sách nhà nước từ các vụ việc vi phạm 7.666 tỷ đồng.
Đối với ngành Hải quan, trong 10 tháng năm 2022, toàn ngành Hải quan đã phát hiện gần 14.000 vụ vi phạm với trị giá hàng hoá gần 4.800 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 35 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 113 vụ vi phạm.
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ, ngành và địa phương trên cả nước đã chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Nhiều vụ việc vi phạm đã được lực lượng chức năng xử lý kịp thời, đúng đối tượng, mang tính răn đe cao, không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tuy nhiên, các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh vẫn còn diễn ra phức tạp, nhu cầu của người dân mua hàng trên không gian mạng gia tăng. Các đối tượng kinh doanh lợi dụng để bán hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ trên không gian mạng nên việc xác minh, truy tìm xử lý vụ việc còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt kinh doanh trên ứng dụng mạng xã hội, do thiếu cơ sở pháp lý.
Hồng Anh