“Đột kích” tổng kho mỹ phẩm không có hóa đơn, chứng từ ở Hà Nội

Đội QLTT số 13 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế Công an quận Cầu Giấy và Công an phường Dịch Vọng Hậu tiến hành kiểm tra một kho hàng chứa nhiều sản phẩm mỹ phẩm, tinh bột nghệ Curcumin Gold, hồng sâm, ... Kết quả, đoàn kiểm tra đã phát hiện hàng loạt sản phẩm không có nhãn phụ và không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, tối ngày 23/7, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Chỉ thị số 17, theo đó Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày kể từ 06h00 ngày 24/7 trên phạm vi toàn thành phố.

Chỉ thị của TP. Hà Nội yêu cầu đóng cửa, tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ trừ các trường hợp sau: Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày.

Đội QLTT số 13 kiểm tra kho hàng có dấu hiệu nhập lậu từ Hàn QuốcĐội QLTT số 13 kiểm tra kho hàng có dấu hiệu nhập lậu từ Hàn Quốc

Mặc dù Chỉ thị đã nêu rõ chỉ những cơ sở kinh doanh thiết yếu mới được hoạt động nhưng tại số nhà 5 ngách 6 ngõ 38 phố Đặng Thùy Trâm, phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn diễn ra hoạt động giao thương với các mặt hàng không phải là thiết yếu và có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ.

Nhận được phản ánh của bạn đọc, ngày 27/7/2021, PV tòa soạn Thương hiệu và Công luận đã tiến hành xác minh và thấy tình trạng có hoạt động mua bán tại đây. Theo quan sát, cứ khoảng 30 phút thì xuất hiện một người đi xe máy đến địa chỉ trên để lấy hàng. Số hàng này được đóng gói cẩn thận vào từng bao tải và sau đó được chở đi nơi khác. Mỗi chuyến hàng, người đến nhận hàng thường chở từ 2 -3 bao tải hàng.

Nhận thấy có dấu hiệu vi phạm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17 của UBND TP Hà Nội cùng với đó là dấu hiệu vi phạm hàng hóa, PV đã liên hệ thông tin tới lãnh đạo CA phường Dịch Vọng Hậu và Đội QLTT số 13 để tiến hành xác minh.

Nhiều sản phẩm mỹ phẩm không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốcNhiều sản phẩm mỹ phẩm không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc

Sau khi nhận thông tin từ PV, Công an phường Dịch Vọng Hậu đã cử lực lượng xuống kiểm tra đồng thời đề nghị Đội Công an Kinh tế, Công an Quận Cầu Giấy, Đội QLTT số 13 đến phối hợp.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện hàng loạt sản phẩm như mỹ phẩm, dầu gội đầu, kem dưỡng, tinh bột nghệ, hồng sâm, bột ngũ cốc dinh dưỡng, viên uống tinh dầu, serum chăm sóc da, mặt nạ dưỡng da,... được chủ hàng đóng gói trong các thùng cacton. Trên các sản phẩm này đều thể hiện chữ Hàn Quốc và không có nhãn phụ trên mỗi sản phẩm.

Làm việc với đoàn kiểm tra, chủ hàng là anh Lê Văn Khánh đã không xuất trình được giấy phép kinh doanh và hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc của số hàng nói trên. Anh Khánh chỉ xuất trình được một số hóa đơn bán hàng và hóa đơn giá trị gia tăng cho sản phẩm “thực phẩm bổ sung chiết xuất hồng sâm Saffaron Hannusam”, sản phẩm “chiết xuất hồng sâm nhung hươu Goryo” và nước sâm táo, nước sâm lê. Ngoài ra, anh Khánh cho biết, một số sản phẩm tại kho đều là hàng xách tay được gửi từ Hàn Quốc về Việt Nam.

Các sản phẩm tại kho hàng này đều không có nhãn phụCác sản phẩm tại kho hàng này đều không có nhãn phụ

Sau hơn 6 giờ đồng hồ phân loại, kiểm đếm dưới sự chứng kiến của chủ hàng và các thành phần trong đoàn kiểm tra, đến hơn 23h ngày 27/7, Đội QLTT số 13 đã tiến hành các thủ tục tạm giữ các sản phẩm là mỹ phẩm, hồng sâm, dầu gội đầu, kem dưỡng, tinh bột nghệ, hồng sâm, bột ngũ cốc dinh dưỡng, viên uống tinh dầu, serum chăm sóc da, mặt nạ dưỡng da,... do nước ngoài sản xuất để bảo quản, phục vụ quá trình xác minh nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

Ở một diễn biến khác, sau khi lập biên bản tạm giữ số hàng hóa trên, PV nhiều lần đề nghị được tiếp cận biên bản làm việc nhưng ông Phạm Ngọc Oanh, Đội trưởng đội QLTT số 13 từ chối thẳng thừng. Với vai trò là cơ quan báo chí đồng thời là đơn vị cung cấp thông tin tới Đội QLTT số 13 thì không hiểu lý do gì vị lãnh đạo này lại cố tình tránh né việc cung cấp biên bản? Trước sự việc này, dư luận có quyền đặt câu hỏi, phải chăng có sự không minh bạch?

Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

 Thiên Trường

Bài liên quan

Cùng chuyên mục