Bề ngoài, trông nghệ nhân - CEO Song Hỷ Trà Nguyễn Ngọc Tuấn trông giống văn nghệ sĩ, kể từ cách ăn mặc tới kiểu tóc, kiểu râu. Nhưng khi ngồi vào bàn pha trà, ông lại giống thầy đồ viết chữ với những động tác khoan thai, chậm rãi mà đẹp mắt.
Khu thờ tự Thánh Tổ nghề trà Việt Nam Tuệ Tĩnh tại văn phòng Song Hỷ Trà.
Đam mê nghiên cứu văn hóa trà
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Tuấn từng đi rất nhiều vùng trà ở Việt Nam, từ Sơn La, Lai Châu, sang Lào Cai, Hà Giang, vòng xuống Phú Thọ, Thái Nguyên, rồi về Thông Hóa, Nghệ An, Bình Định, Lâm Đồng… Với ông, tới những nơi làm trà không những để mở rộng vùng nguyên liệu, mà quan trọng hơn là “thấm” được văn hóa trà bản địa nơi đặt chân đến.
Ông cũng đọc rất nhiều tài liệu, sách vở liên quan đến trà và văn hóa uống trà của người Việt. Hễ nghe ở nhà sách hay nơi nào đó có cuốn sách hay về trà, ông Nguyễn Ngọc Tuấn đều tìm đến mua hoặc mượn, hay chỉ xin photo để về đọc. Bởi thế, có thể nói ông là một nhà Trà Việt học đúng nghĩa, dù chẳng có viện khoa học hay cơ quan nghiên cứu nào… “phong tặng”.
Trong những chuyến công tác Nhật Bản, Trung Quốc hay Nga, ông đều tìm hiểu văn hóa uống trà của vùng đất mình đặt chân đến. Từ đó ông tự so sánh, rồi rút ra những nét đặc trưng, điều thú vị của văn hóa uống trà Việt Nam bằng thực tiễn chứ không qua lý luận, hay sách vở.
Những kinh nghiệm, kiến thức có được, ông đã biên soạn và cho ra mắt 2 cuốn sách rất có giá trị về trà: Trà Thượng Ty và Phác thảo Danh trà Việt Nam.
Hành trình tìm kiếm Thánh Tổ nghề trà
Có một điều doanh nhân Nguyễn Ngọc Tuấn từng rất trăn trở, nhiều nghề ở Việt Nam khác có tổ nghề, tại sao làm trà từ nghìn năm rồi mà không tìm được Tổ? Qua sách vở, thư tịch, tài liệu sưu tầm được, ông Tuấn nhận thấy rất khó để xác định được thật sự Tổ nghề trà Việt Nam.
Trong những chuyến đi, ông cũng hỏi các bậc cao niên vùng trà bản địa để tìm ra một tia hy vọng, dù rất nhỏ nhoi cho một vị minh sư nào đó là Tổ nghề. Song tất cả không ai biết, không ai nghe, chỉ biết nghề trà có từ rất, rất lâu đời và cách làm được truyền tay từ đời này qua đời khác.
Bộ sách với ông Nguyễn Ngọc Tuấn được xem là cổ nhất có nhắc đến trà là bộ Nam dược thần hiệu của Thánh sư Tuệ Tĩnh. Trong 499 vị thuốc Nam mà Thánh sư biên kỹ về dược tính, vị số 188 là Minh trà: “Trà ngon, vị ngọt, đắng tính hơi hàn, nhuận tạng, trừ tiệt khu phong, sáng mắt, nhẹ đầu, hạ đờm, trị chướng lý, tiêu thức ăn”.
Còn trong sách Trực giải chỉ nam dược tính phú ghi: “Trà vốn thông tâm giải khát, uống một bát thì muôn điều lo nghĩ tiêu tan”.
Thánh sư Tuệ Tĩnh không những dùng trà để làm giải khát mà còn là phương thuốc bệnh. Để trị bệnh đau lưng, ông ghi: “Trà ngon nấu nước đậm 3 chung, hòa với dấm chung uống ngay thì lành”. Hay kinh trị bị sương lạnh lở loét: “Hoắc dương, trà đầu xuân, bằng nhau đốt ra tro, hòa với dầu, phết lên trên lá mà đặt vào, rất hay”.
Sau khi cân nhắc cẩn trọng, bàn bạc, phản biện với nhiều doanh nghiệp làm trà, các nhóm bạn uống trà ở Hà Nội, TP.HCM, Sơn La, Hà Giang, Thái Nguyên, Lâm Đồng…, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cùng những trà hữu đã quyết định chọn Thánh sư Tuệ Tĩnh là Thánh Tổ nghề trà Việt Nam. Đặc biệt, quyết định này nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà khoa học như Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái, Tiến sĩ Vũ Trọng Khải…
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Tuấn quyết định giành 1 phần văn phòng doanh nghiệp của mình ở đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, TP.HCM) là khu thờ tự Thánh tổ nghề trà cho các trà nhân ở TP.HCM nói riêng và miền Nam nói chung.
Sư thầy Thích Thanh Lương và nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn thỉnh xin chân linh tại đền thờ Thánh sư Tuệ Tĩnh.
Một ngày giữa tháng 11/2020, ông Nguyễn Ngọc Tuấn từ TP.HCM bay ra Bắc, cùng nhóm trà hữu ở Hà Nội về chùa Giám (tên chữ là Nghiêm Quang Tự) ở xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, để thỉnh chân linh Thánh sư Tuệ Tĩnh. Đây là nơi Thánh sư quy y cửa Phật, học nghề thuốc, hành nghề cứu người và hiện tại nơi đây có đền thờ Thánh sư.
Sư thầy trụ trì Thích Thanh Lương đã thật sự ngạc nhiên khi nghe ông Tuấn đề cập tới việc thỉnh chân linh Thánh sư Tuệ Tĩnh về TP.HCM để thờ tự là Thánh Tổ nghề trà Việt Nam. Sau khi nghe những chia sẻ, câu chuyện và lý do chọn Thánh sư, sư thầy trụ trì đã rất đồng cảm và nhiệt tình giúp đỡ.
Chọn một tổ nghề “chuẩn” không dễ dàng chút nào. Nếu không có nhân vật cụ thể thì làng nghề, hay một nghề thường lấy một vị qua truyền thuyết hay huyền tích, đơn cử như nghề mộc chọn vị nhân thần Lỗ Ban; nghề dệt chọn bà A Lã Thị Nương (vợ Cao Biền); nghề cắt tóc làng Kim Liên - Hà Nội, chọn thầy địa lý Tả Ao… Bởi vậy, việc chọn Thánh sư Tuệ Tĩnh làm Thánh Tổ nghề trà Việt Nam là tâm huyết của nhiều người, trong đó có doanh nhân Nguyễn Ngọc Tuấn…
ĐẶNG HUY