Nhãn hiệu tập thể - Thêm công cụ phát triển gỗ mỹ nghệ Bình Cầu

Từ những năm 1990 trở lại đây, làng nghề mộc truyền thống Bình Cầu (Hoài Thượng, Thuận Thành) chuyên sản xuất đồ thờ tự bắt đầu phục hồi. Đến nay, cùng với việc được trao chứng nhận nhãn hiệu tập thể, các sản phẩm gỗ mỹ nghệ độc đáo nơi đây được kỳ vọng sẽ “cất cánh” vươn xa hơn.

Cơ sở sản xuất đồ thờ tự quy mô lớn của anh Đỗ Quang Tĩnh là minh chứng cho sự hồi sinh của làng nghề.

Các sản phẩm chủ đạo của xưởng gồm tượng Phật, hoành phi câu đối, vật dụng dựng nhà thờ, làm đình chùa,… Ngoài việc trang trí cho không gian thờ thêm trang trọng, ấm cúng những sản phẩm này còn thể hiện sự tôn kính của con cháu với ông bà tổ tiên, gắn liền truyền thống uống nước nhớ nguồn của người Việt. Anh Tĩnh tâm sự: “Trải qua nhiều biến cố của làng nghề, gia đình tôi là một trong số ít hộ vẫn quyết tâm gắn bó với sản phẩm mộc truyền thống và duy trì ổn định đến nay. Gần đây, nhờ ứng dụng máy móc, công nghệ mới, sản lượng và chất lượng đồ gỗ mỹ nghệ tăng lên đáng kể, doanh thu mỗi năm từ 1,5 - 1,6 tỷ đồng, tạo việc làm cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình từ 5 - 7 triệu đồng 1 người/tháng”.

Cơ sở sản xuất của anh Đỗ Quang Tĩnh là một trong những cơ sở được trao quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Gỗ mỹ nghệ Bình Cầu”.Cơ sở sản xuất của anh Đỗ Quang Tĩnh là một trong những cơ sở được trao quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Gỗ mỹ nghệ Bình Cầu”.

Theo các nghệ nhân trong làng, điểm đặc biệt của sản phẩm gỗ Bình Cầu chính là nét đục chạm tinh xảo được sơn thiếp trên chất liệu gỗ dổi, mít, gỗ vàng tâm... là những loại gỗ có linh khí tốt, thẩm thấu sơn bền. Sau khi lựa chọn được nguyên liệu, 2 công đoạn quan trọng tiếp theo cần được chú ý là quy trình lấy mực thước vẽ hoa văn sao cho sống động và quy trình thiếp bạc để màu gỗ lên đẹp nhất. Cùng với những hoa văn xưa, các thợ cả còn sáng tạo ra nhiều mẫu mã, kiểu dáng, họa tiết sắc xảo với các kích thước khác nhau. Về pha chế sơn, mỗi gia đình cũng có bí quyết riêng để sơn son thiếp bạc cho ra các màu sắc độc đáo. Tất cả công đoạn tỉ mỉ ấy hòa quyện để tạo nên những thước gỗ đậm dấu ấn truyền thống nhưng phù hợp với kiến trúc của các không gian thờ tự thời hiện đại.

Tiếng lành đồn xa, cùng với nhu cầu về đồ thờ nâng lên, khách hàng nhiều nơi tìm tới Bình Cầu đặt hàng ngày một đông hơn. Từ vài hộ giữ nghề, tới nay cả thôn Bình Cầu có hàng chục xưởng gỗ lớn, nhỏ. Ngoài các sản phẩm thờ tự, nhiều hộ còn làm thêm sản phẩm mộc gia dụng từ gỗ lim, gỗ xoan. Một số gia đình mở xưởng sản xuất quy mô lớn làm hàng xuất khẩu, mang lại thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Sự hồi sinh và phát triển của làng nghề mộc mỹ nghệ Bình Cầu góp phần rất lớn để Hoài Thượng đạt chuẩn Nông thôn mới từ năm 2016. Việc phát huy thế mạnh nghề truyền thống giúp chuyển dịch cơ cấu lao động địa phương, tăng thu nhập cho người dân và là tiền đề quan trọng để xã tiếp tục nâng cao chất lượng một số tiêu chí Nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên làng nghề gỗ Bình Cầu vẫn chưa có đầu ra ổn định; việc xây dựng thương hiệu riêng nhằm tạo uy tín, tăng sức cạnh tranh để người dân yên tâm sản xuất, phát triển làng nghề bền vững chưa được triển khai bài bản. Nắm bắt được khó khăn đó và thực hiện Quyết định số 134 năm 2018 của UBND tỉnh về đề án “Xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp và làng nghề tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018-2020”, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phối hợp với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa tích cực hỗ trợ quá trình xây dựng, bảo hộ thương hiệu sản phẩm cho làng nghề. Kết quả, đến tháng 1-2020, Đồ gỗ mỹ nghệ Bình Cầu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể.

Nhãn hiệu tập thể này sẽ là công cụ quan trọng trong việc quảng bá thương hiệu, khai thác, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ của làng nghề. Đây cũng là động lực để nâng cao đời sống của người dân mà vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống gắn với tiềm năng du lịch tâm linh vùng Nam Đuống. Vì vậy, các hộ làm nghề ở Bình Cầu cần chung tay giữ gìn uy tín cũng như nhãn hiệu tập thể đã được công nhận; xây dựng cơ chế quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; duy trì và cải tiến chất lượng, mẫu mã, đáp ứng thị hiếu của người khách hàng trong và ngoài nước… từng bước khẳng định vị thế trên thị trường.

HUYỀN THƯƠNG

Cùng chuyên mục