Quảng Nam: Thêm hướng phát triển nông nghiệp sạch

Việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nhân giống, phát triển các mô hình trồng cây cam sành, quýt đường gắn với việc xây dựng nhãn hiệu tập thể tại huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) là hướng phát triển nông nghiệp sạch, từng bước giúp người dân miền núi thoát nghèo.

Nhiều vườn cam sành ở Bắc Trà My đứng trước nguy cơ thoái hóa giống cần phục tráng. Ảnh: H.LIÊNNhiều vườn cam sành ở Bắc Trà My đứng trước nguy cơ thoái hóa giống cần phục tráng (Ảnh: H.LIÊN)

Tạo nguồn giống sạch bệnh

Sở NN&PTNT cho biết, toàn tỉnh có khoảng 8.000ha vườn trồng cây ăn quả, chủ yếu trồng các loại cam, chanh, bưởi, quýt, thanh trà, lòn bon, măng cụt, sầu riêng, tập trung phần lớn tại một số địa phương miền núi. Trong đó, Bắc Trà My có hơn 137ha trồng cây ăn quả, với các loại cam sành, cam giấy, quýt đường...

Trên địa bàn huyện có khoảng 100 hộ trồng cam sành và quýt đường, tập trung ở các xã Trà Dương, Trà Tân (hơn 70%), một số ít ở xã Trà Sơn, Trà Đông, Trà Đốc. Phần lớn các hộ trồng quy mô nhỏ dưới 500m2 (chiếm 61%), gần 50% vườn cây đã bị thoái hóa giống.

ThS. Phan Thị Á Kim - Phó Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển sản xuất cam sành, quýt đường gắn với việc xây dựng nhãn hiệu tập thể tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam” cho hay, năm 2003, Sở từng hỗ trợ xã Trà Tân mô hình trồng cam sành và quýt đường với tổng diện tích khoảng 4ha.

Mô hình trồng cam sành, quýt đường giúp người dân cải thiện đời sống, nhưng người dân chưa nắm rõ quy trình để lưu giữ cây giống, một phần do thiếu đầu tư, chưa chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thâm canh khiến cây trồng bị thoái hóa, sâu bệnh... dẫn đến các vườn cây ăn quả bị thu hẹp, giảm năng suất, chất lượng.

Đề tài đã bình tuyển, công nhận được 23 cây đầu dòng với 12 cây quýt đường, 10 cây cam sành và 1 cam giấy của 7 hộ dân ở xã Trà Tân.

Nhóm nghiên cứu đã phối hợp với Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Trần Phước Sanh sản xuất 3.300 cây gốc ghép đạt tiêu chuẩn ghép từ hạt cây bưởi chua hoang dại nhằm tận dụng những đặc điểm tốt (bộ rễ tốt, khả năng chống chịu hạn hán, sâu bệnh...) cho cây giống ghép.

Vườn ươm cây giống được đặt tại thôn 1, xã Trà Tân với diện tích 200m2 phục vụ sản xuất 3.000 cây giống. Cây ghép tạo ra có đặc điểm di truyền hoàn toàn giống cây mẹ. Cây xuất vườn đảm bảo tiêu chuẩn sau 4 - 6 tháng, có chiều cao 60cm, chiều dài cành ghép tính từ vết ghép đến ngọn cành dài nhất khoảng 40cm, bộ rễ phát triển tốt.

Cây cam sành ghép sạch bệnh được tạo ra từ đề tài. Ảnh: H.LCây cam sành ghép sạch bệnh được tạo ra từ đề tài (Ảnh: H.L)

Hướng đến vùng chuyên canh

ThS. Phan Thị Á Kim và cộng sự đã chọn 20 hộ trồng cây ăn quả, trong đó, 11 hộ có diện tích trên 500m2, còn lại diện tích nhỏ và chủ yếu trồng bổ sung trong vườn cũ. Về thời vụ trồng đợt 1 là tháng 9.2020 gồm 2.275 cây ghép của đề tài và 235 cây giống ghép của Viện cây ăn quả miền Nam (đối chứng).

Đợt 2 trồng vào tháng 8.2021 với 725 cây ghép của đề tài và 65 cây giống ghép của Viện cây ăn quả miền Nam. Mô hình trồng cam được triển khai với tổng diện tích 2,7ha (1.720 cây cam sành và 200 cam giấy), còn mô hình trồng quýt đường gồm 1.080 cây với khoảng 1,4ha.

Như anh Trần Cư (thôn 1, Trà Tân) có vườn rộng 4ha, trồng một số loại cây ăn quả. Nhận thấy giá trị từ cây cam, quýt đường đặc sản, anh Cư chủ động trồng mới thêm 2ha. Anh được hỗ trợ 380 cây giống cam sành và bưởi ghép từ đề tài và được cấp phân bón, hỗ trợ tiền công lao động, được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây.

Ông Thái Trọng Thạch - Chủ tịch UBND xã Trà Tân nói, không chỉ được hỗ trợ kỹ thuật trồng, cây giống, người dân trên địa bàn xã còn nhận hỗ trợ phân bón, chi phí chăm sóc cây trồng và kỹ thuật phòng trừ dịch hại, quảng bá thương hiệu từ đề tài.

Trên địa bàn xã, hộ anh Trần Cư hiện đã phát triển diện tích trồng mới cây cam sành, quýt đường chừng 2ha. Nhìn chung, đề tài đã đem lại lợi ích thiết thực cho người dân Trà Tân.

Nhóm nghiên cứu đã phục tráng thành công những loại cây bản địa đứng trước nguy cơ thoái hóa giống, mai một, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo, tăng thu nhập từ kinh tế vườn theo tinh thần Nghị quyết 03 của Huyện ủy Bắc Trà My về phát triển kinh tế vườn giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025.

“Đề tài có sự khảo sát kỹ đối tượng được hưởng lợi. Đã xây dựng được một số vườn với diện tích tương đối lớn, tạo vùng chuyên canh cây ăn quả bản địa. Chúng tôi cũng đề xuất Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cam, quýt, bưởi Bắc Trà My và Cục đã có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ số 46615/QĐ-SHTT ngày 9.6.2021 đối với nhãn hiệu “Cam - Bưởi - Quýt Bắc Trà My” và Hợp tác xã Thái Hòa được giao chủ thể quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể trên” - ThS. Phan Thị Á Kim nói.

H. Thủy (Nguồn: https://baoquangnam.vn/)

Bài liên quan

Cùng chuyên mục