Vùng trồng có mã số định danh với quy trình canh tác đảm bảo chất lượng, đang mang lại hiệu quả cao cho bà con nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tại Tây Nguyên.
Nông dân và doanh nghiệp ở khu vực Tây Nguyên đang liên kết tạo ra những vùng trồng cây ăn trái chất lượng cao, được cấp mã số định danh với quy trình canh tác đảm bảo chất lượng, đồng nhất về sản phẩm.
Cách làm này đang mang lại hiệu quả cho cả bà con nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu, thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng mới, với giá trị cao và bền vững.
Tỉnh Lâm Đồng hiện có khoảng 10.000 ha sầu riêng và đây là một trong những mặt hàng nông sản giá trị cao của địa phương.
Ông Võ Hữu Long - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Long Thủy, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng cho biết, thị trường và đầu ra xuất khẩu cho trái sầu riêng hiện nay khá ổn định, nhưng giá trị của loại trái cây đặc sản này càng cao và ổn định khi vùng trồng được đăng ký mã số định danh, minh bạch quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và đóng gói.
Đặc biệt, với việc được cấp mã số vùng trồng, doanh nghiệp đã có thể xuất khẩu chính ngạch và đem lại lợi nhuận cao cho cả người trồng và doanh nghiệp.
“Mã vùng trồng sầu riêng đã được cấp, tiêu chuẩn VietGAP cũng đầy đủ nên khi đảm bảo có giấy phép xuất khẩu được, giá thu mua so với thị trường sẽ cao hơn từ 15.000 – 20.000 đồng. Với những diện tích sầu riêng đã cấp mã, doanh nghiệp phối hợp làm trong chuỗi cung ứng đã ký thu mua được 6.000 tấn”, ông Long cho biết
Vùng trồng có mã số định danh với quy trình canh tác đảm bảo chất lượng đang mang lại hiệu quả cao cho bà con nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu tại Tây Nguyên
Xây dựng vùng trồng theo chuỗi liên kết cũng đang được đẩy mạnh tại tỉnh Đắk Nông, với nhiều mặt hàng trái cây như sầu riêng, chanh dây, xoài, bơ. Nhiều vùng trồng trên địa bàn tỉnh cũng đã được cấp mã số định danh để phục vụ cho xuất khẩu.
Ông Bùi Phú Tôn, Giám đốc Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông cho biết, với việc hình thành liên kết chuỗi, các sản phẩm của công ty đã có chất lượng cao và đồng nhất, mang lại giá trị cao khi xuất khẩu.
“Nhiều thị trường hiện nay đòi hỏi phải xuất khẩu chính ngạch. Khi xuất khẩu chính ngạch doanh nghiệp phải có mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói theo các tiêu chuẩn nhất định, không thể bỏ qua một số quy trình như xuất khẩu tiểu ngạch ngày trước”, ông Tôn xác định.
Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, cho đến nay Cục bảo vệ thực vật đã cấp cho tỉnh 38 mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói. Để đạt tiêu chuẩn được cấp mã số vùng trồng, đòi hỏi người dân phải đổi mới phương pháp canh tác, kiểm soát được chất lượng, đặc biệt là kiểm soát sinh vật gây hại.
Với việc được cấp mã số vùng trồng, một số mặt hàng trái cây của tỉnh đã có thể xuất khẩu chính ngạch đi các nước với khối lượng lớn hơn, giá trị cao hơn và người dân được lợi hơn. Là tỉnh có nền kinh tế với nông nghiệp là thế mạnh, Đắk Nông đang tập trung đẩy mạnh phát triển liên kết chuỗi và vùng trồng có mã số định danh.
“Để xây dựng được vùng trồng cây ăn trái xuất khẩu cần gắn với đó là xây dựng chuỗi liên kết, tạo vùng nguyên liệu và vùng trồng đảm bảo chất lượng truy xuất, truy nguyên nguồn gốc.
Tỉnh uỷ và UBND tỉnh đã có rất nhiều chỉ đạo vấn đề này trong nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xác định đưa liên kết chuỗi vào để tạo vùng nguyên liệu ổn định, bền vững phục vụ công nghệ chế biến cũng như xuất khẩu”, bà Tình cho biết.
Vùng trồng có mã số định danh với quy trình canh tác đảm bảo chất lượng, đang mang lại hiệu quả cao cho bà con nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tại Tây Nguyên.
Vấn đề này, đang tiếp tục được các địa phương trong khu vực chú trọng phát triển để có thể đưa các mặt hàng nông sản chủ lực ra thế giới.
H. Thủy (Nguồn: VOV)