Sớm chặn bóng ma lạm phát

Giá nhiên liệu, nguyên vật liệu đang tăng và các gói kích thích kinh tế có thể được triển khai dự báo sẽ gây áp lực lên việc kiểm soát lạm phát trong năm 2022.

Ngay ở thời điểm hiện tại, giá nhiều loại hàng hóa, chi phí sản xuất, vận chuyển đã nhanh chóng bị đội lên sau nhiều lần liên tiếp tăng giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào.

Áp lực tăng giá rất lớn

Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian qua, do tác động của các loại nhiên liệu, nguyên vật liệu, nhiều mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm đã đồng loạt tăng giá. Chị Nguyễn Thị Phượng (trú quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) mua rau tại một siêu thị trên địa bàn với mức giá tăng gấp đôi so với trước.

Theo chị Phượng, rau mồng tơi hiện có giá 45.000-50.000 đồng/kg, gấp đôi so với trước. Giá thực phẩm tươi sống, sữa, gạo, dầu ăn cũng tăng 10%-30%, chị lo ngại sắp tới các loại hàng hóa sẽ còn tăng tiếp khi nhiều loại chi phí đầu vào vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ trong 10 tháng của năm 2021, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 18 đợt, làm cho giá xăng A95 tăng 7.860 đồng/lít, xăng E5 tăng 7.600 đồng/lít. Giá gas cũng được điều chỉnh tăng 8 đợt, bình quân giá gas tăng 23,81% so với cùng kỳ năm trước. Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng sẽ tác động không nhỏ tới tình hình lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới.

Dưới góc nhìn chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho rằng giá xăng dầu tăng là một yếu tố quan trọng làm tăng khả năng lạm phát trong các tháng cuối năm. "Giá nhiều mặt hàng khác đều đang ở mức cao như sắt thép, nhôm, thức ăn chăn nuôi gia súc. Giá cả đầu vào tăng sẽ làm giá đầu ra tăng. Áp lực lạm phát đang tăng lên khi chúng ta đang mở cửa nền kinh tế, doanh ghiệp (DN) đang phục hồi sản xuất - kinh doanh" - ông Thịnh nhận định. Tuy nhiên, ông Thịnh dự báo lạm phát năm 2021 vẫn không quá 3%, trong giới hạn 4% Quốc hội đề ra.

PGS-TS Phạm Thế Anh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhìn nhận áp lực lạm phát của nền kinh tế đang rất lớn mà con số thống kê chưa thể hiện hết. Có thể nhận thấy rõ giá nhiều yếu tố đầu vào đang tăng cao, có loại tăng gấp 2-3 lần trong một năm. Những yếu tố này đều chờ đợi để phản ánh vào giá hàng hóa khi cầu tiêu dùng phục hồi và có nguy cơ kéo theo hệ quả lạm phát cao như giai đoạn 2009-2011.

Người dân TP HCM mua thực phẩm tại siêu thị. Ảnh: HOÀNG TRIỀUNgười dân TP HCM mua thực phẩm tại siêu thị

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh nhận định lạm phát năm 2022 chắc chắn sẽ tăng khá mạnh bởi với gói cứu trợ khá lớn nhằm tiếp sức cho người dân, DN, sẽ có một lượng cung tiền mặt không nhỏ được đưa ra lưu hành. Cùng với đó, cung tiền tăng còn thông qua kênh khác là ngân hàng giảm lãi vay để kích thích DN hồi phục. Các gói cứu trợ có thể không vượt quá 10% GDP nhưng cũng gây áp lực không nhỏ lên vấn đề điều hành vĩ mô. Bởi lẽ, với khối lượng tín dụng, cung tiền bơm vào nền kinh tế, nếu DN tận dụng kinh doanh có hiệu quả thì không sao, còn ngược lại sẽ tạo sức ép lên lạm phát.

Cách nào kiểm soát?

Một yếu tố đáng lo ngại, theo TS Lê Đăng Doanh là kinh tế Mỹ và các nước đang hồi phục kéo theo giá dầu, xi-măng và nhiều loại nguyên vật liệu đầu vào trên thị trường thế giới cùng tăng. Trong khi kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt hơn 200% GDP, tức là chúng ta đang nhập khẩu lạm phát lớn. Do đó, rất cần chính sách giải ngân đầu tư công hiệu quả, góp phần kích thích tăng trưởng. Đồng thời, cân nhắc quy mô gói hỗ trợ theo hướng mạnh tay nhưng phải phù hợp, thực thi có hiệu quả để DN có thể hưởng lợi.

PGS-TS Phạm Thế Anh cảnh báo cung tiền tăng vọt rất dễ dẫn đến bong bóng giá tài sản, đặc biệt là phản ứng của lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản sẽ rất nhanh. "Không có cách nào khác để kiểm soát lạm phát là phải tăng lãi suất vay ngân hàng. Khi đó, DN sẽ lại bị ảnh hưởng nặng nề, chắc chắn nợ xấu tăng và có khả năng gây suy yếu hệ thống tài chính" - ông Thế Anh phân tích và lưu ý các gói hỗ trợ, hồi phục kinh tế thông qua tăng cung tiền trong thời gian tới là rất cần thiết song phải tính toán liều lượng hợp lý để tránh hệ quả xấu.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng lưu ý việc thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ cần cân nhắc kỹ, bởi gói hỗ trợ lớn sẽ phát sinh lo ngại về lạm phát. "DN, người dân rất cần các gói hỗ trợ sau những ảnh hưởng do đại dịch. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ, gói kích thích kinh tế phải ở mức độ phù hợp, bảo đảm lượng tiền tệ lưu hành trên thị trường ở mức an toàn. Chúng ta cũng cần tính toán không quá kéo dài thời gian hỗ trợ, gói hỗ trợ không quá nhiều, bởi sẽ gây áp lực cho lạm phát" - ông Thịnh nói và dẫn chứng một số quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Na Uy… đều đã có các động thái quản lý chặt chẽ các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế.

Riêng yếu tố tăng giá nhiên liệu, nguyên vật liệu từ nước ngoài rất khó thay đổi do hoạt động sản xuất - kinh doanh của các nước trên thế giới đang phục hồi nên chúng ta phải chấp nhận mức giá cao ở một thời điểm nhất định. Thay vào đó, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng DN phải tổ chức sản xuất - kinh doanh sao cho tiết kiệm tối đa chi phí mà vẫn đạt hiệu quả tốt nhất có thể. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần quản lý chặt giá cả, tránh tình trạng "té nước theo mưa"; tăng cường quản lý những mặt hàng do nhà nước định giá, mặt hàng thuộc diện phải kê khai giá, làm cho giá cả đi vào nền nếp, ổn định thị trường.

Theo báo Người Lao Động

Bài liên quan

Cùng chuyên mục