Thực phẩm nhập khẩu bán online giá rẻ: Cẩn trọng sản phẩm “đội lốt” hàng châu Âu

Hiện nay, các loại thực phẩm nhập khẩu từ châu Âu đang được rao bán trên các trang mạng xã hội với mức giá khá rẻ khiến cho nhiều người tiêu dùng lo ngại về chất lượng của sản phẩm cũng như về nguồn gốc xuất xứ.

Chỉ cần gõ cụm từ tìm kiếm "dẻ sườn bò Úc" hay "sườn sụn bò Úc" có thể tìm thấy vô số bài đăng rao bán mặt hàng này với mức giá siêu rẻ dao động 80.000-130.000 đồng/kg.

Một tài khoản tên Thu Trần chào bán công khai dẻ sườn bò Úc trên trang mạng xã hội của mình với giá 115.000 đồng/kg. Theo quan sát, chỉ sau 30 phút, bài đăng của Nhung đã thu hút được hơn 50 lượt đặt hàng.

Không chỉ có dẻ sườn bò Úc mà sườn sụn bò Úc cũng là mặt hàng có giá rẻ "giật mình" đang thu hút nhiều người tiêu dùng và dân kinh doanh online.

Người mua chỉ cần bỏ ra 80.000-85.000 đồng đã có thể sở hữu 1 kg sườn sụn bò Úc. Trong khi, tại các cửa hàng thực phẩm nhập khẩu hay siêu thị, sản phẩm này đang được bán với giá 150.000-230.000 đồng/kg.

"Thấy giới thiệu là hàng chất lượng tốt, nhìn ảnh thịt tươi, giá rẻ nên tôi tò mò mua một ít, ăn thử có khác gì đồ nội không", chị Ngân (Hà Đông, Hà Nội) cho hay.

Cùng với thịt nhập khẩu,  hoa quả nhập khẩu trên một số chợ cư dân được chào bán với giá rẻ giật mình. Chẳng hạn, trên chợ cư dân icid Complex, giá táo Trucap 1,5 kg chỉ có giá 75.000 đồng. Táo túi Nam Phi được chào với giá 139.000 đồng/3kg, nửa túi 77.000 đồng/kg, trung bình khoảng 40.000 đồng/kg.

Thực phẩm nhập khẩu được bán tràn lan trên các trang mạng xã hội với mức giá khá rẻ khiến nhiều người lo ngại về chất lượng sản phẩm.Thực phẩm nhập khẩu được bán tràn lan trên các trang mạng xã hội với mức giá khá rẻ khiến nhiều người lo ngại về chất lượng sản phẩm

Trong khi đó qua tìm hiểu phóng viên được biết, giá các sản phẩm này ở các cửa hàng hoa quả nhập khẩu, siêu thị, trung tâm thương mại, giá các sản phẩm cao hơn từ 50-70% giá cùng loại được chào bán trên các trang mạng xã hội.

Qua tìm hiểu phóng viên được biết, nhiều tài khoản đăng bán thực phẩm nhập khẩu trên mạng xã hội đều là cá nhân, không ghi rõ địa chỉ cụ thể mà chỉ ghi chung chung như Hà Đông (Hà Nội), Đống Đa (Hà Nội).

Cùng với đó, các sản phẩm thịt được đăng bán cũng không ghi rõ ràng nguồn gốc được nhập khẩu về Việt Nam qua công ty nào, thời gian nào mà người bán chỉ ghi là thịt bò Úc, thịt lợn Nga; Canada, Ba Lan...

Đưa ra lý giải về giá hoa quả nhập khẩu bán online giá khá rẻ, một chủ cửa hàng trên phố Hai Bà Trưng nêu ý kiến, sản phẩm giá rẻ có thể được các đầu lậu dán tem và dập mác hàng nhập khẩu châu Âu, Mỹ. 

Bên cạnh đó, hiện các giống hoa quả có nguồn gốc châu Âu đã được trồng ở Trung Quốc, nhưng do thổ nhưỡng, cách chăm bón, bảo quản không đúng quy trình nên chất lượng không bằng, nhưng vẫn được đội lốt hàng chuẩn châu Âu. 

Lý giải ấy phần nào có cơ sở khi thời gian qua lực lượng chức năng liên tục phát hiện, xử lý các trường hợp nhập lậu thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Về phía người tiêu dùng, bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo khuyến cáo người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về cơ sở sản xuất, kinh doanh những mặt hàng thực phẩm trên mạng xã hội qua thông tin về địa điểm đăng ký kinh doanh hoặc địa chỉ cư trú của người bán hàng, điện thoại, email… và có thể kiểm chứng được thông tin.

Đặc biệt, người tiêu dùng cần chọn lựa những mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để bảo đảm cho sức khỏe của chính mình và cả cộng đồng. 

Trong “ma trận” các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu hiện nay, theo một số chuyên gia, để lành mạnh hóa thị trường thực phẩm nhập khẩu, bảo đảm an toàn sức khỏe người tiêu dùng, các ngành chức năng cần kiểm soát chặt chẽ các loại thực phẩm nhập khẩu, đặc biệt là hoa quả nhập khẩu.

Ngoài ra, cần có hình thức xử phạt đủ sức răn đe đối với các trường hợp thay đổi nhãn mác, sử dụng chất bảo quản, các lô hàng không rõ xuất xứ có hóa chất độc hại. 

Thiên Trường

Cùng chuyên mục