Xuất siêu trở lại, cán cân thương mại dần cải thiện

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2021 vẫn duy trì tốc độ tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, xuất siêu đã quay trở lại trong tháng 9/2021, nhiều khả năng đến cuối năm 2021, cán cân thương mại có thể cân bằng và thậm chí còn xuất siêu ở mức nhất định...

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2021 đạt 53,5 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 27 tỷ USD, nhập khẩu đạt 26,5 tỷ USD.

Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 240,52 tỷ USD, tăng 18,8%; nhập khẩu đạt 242,65 tỷ USD tăng 30,5%.

Nhập khẩu lấn át xuất khẩu

Trong 9 tháng năm 2021 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,2%).

Cán cân thương mại có thể cân bằng vào cuối năm 2021.Cán cân thương mại có thể cân bằng vào cuối năm 2021

Tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó: điện thoại và linh kiện chiếm 99,1%; điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 98%; máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng chiếm 92,5%; giày dép chiếm 80,5%; dệt may chiếm 62,6%.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 9 tháng năm 2021, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt 2,66 tỷ USD, tăng 9,0% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 1,1% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (giảm 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước).

Nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 214 tỷ USD, tăng 19,5% và chiếm 89% (tăng 0,6 điểm phần trăm).

Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 17,7 tỷ USD, tăng 17,6% và chiếm 7,4% (giảm 0,1 điểm phần trăm). Nhóm hàng thủy sản đạt 6,17 tỷ USD, tăng 2,4% và chiếm 2,5% (giảm 0,4 điểm phần trăm).

Trong 9 tháng qua, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 69,8 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 38,5 tỷ USD, tăng 18,3%. Thị trường EU đạt 28,8 tỷ USD, tăng 11,6%. Thị trường ASEAN đạt 20,6 tỷ USD, tăng 21,2%. Hàn Quốc đạt 16,1 tỷ USD, tăng 11,4%. Nhật Bản đạt 14,7 tỷ USD, tăng 5,1%.

Ảnh min f k

Ở chiều ngược lại, trong 9 tháng năm 2021 có 36 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 90,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 9 tháng năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 227,65 tỷ USD, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,8% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa (tăng 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước).

Trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 111,45 tỷ USD, tăng 25,2% và chiếm 45,9% (giảm 2 điểm phần trăm); nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 116,2 tỷ USD, tăng 37,4% và chiếm 47,9% (tăng 2,4 điểm phần trăm). Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 15 tỷ USD, tăng 22,4% và chiếm 6,2% (giảm 0,4 điểm phần trăm).

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng năm 2021 với kim ngạch đạt 81,3 tỷ USD, tăng 41,1% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 40,2 tỷ USD, tăng 21,6%. Thị trường ASEAN đạt 30,7 tỷ USD, tăng 41,2%; Nhật Bản đạt 16,3 tỷ USD, tăng 11,6%; thị trường EU đạt 12,6 tỷ USD, tăng 19%; Hoa Kỳ đạt 11,7 tỷ USD, tăng 12,7%.

Như vậy, cán cân thương mại đã trở lại “vị thế” xuất siêu trong tháng 9/2021 với 0,5 tỷ USD. Tuy nhiên, do nhập siêu tăng cao trong những tháng trước đó, nên tính chung 9 tháng năm 2021, nhập siêu vẫn ở mức 2,13 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,66 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 21 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 18,87 tỷ USD.

anh mi nhoa

Nhập siêu đang giảm dần

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến nhập siêu trong 9 tháng năm 2021, Bộ Công Thương cho rằng đó là do kinh tế thế giới phục hồi nhu cầu tăng, các doanh nghiệp trong nước đã tăng lượng nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ cho sản xuất. Giá cả hàng hóa thế giới tăng nên giá nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, góp phần tăng kim ngạch nhập khẩu.

Ngoài ra, giá cước vận tải biển tăng cũng làm tăng chi phí, tăng trị giá nhập khẩu nhưng xuất khẩu lại giảm tốc từ tháng 6 đến nay. Trong đó, tháng 6 do dịch Covid-19 tác động mạnh đến xuất khẩu của các doanh nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh; còn trong các tháng 7, 8, 9 dịch Covid-19 tác động mạnh đến xuất khẩu của các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9/2021 của Bộ Công Thương ngày 30/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, xuất khẩu hàng hóa đang có dấu hiệu chững lại kể từ tháng 8 đến nay. Tuy nhiên, tháng 9 mức suy giảm tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ở mức thấp hơn.

Mặc dù vậy, tính chung 9 tháng, xuất khẩu vẫn tăng cao. Đây là một trong những nguyên nhân đóng góp vào tăng trưởng GDP 3 quý đầu năm.

Ạ  kìn ojh o

Chia sẻ thêm, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết vào quý 2 và quý 3/2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến các trung tâm sản xuất lớn như Bắc Giang, Bắc Ninh, cùng các tỉnh phía Nam như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long...

Chỉ tính riêng khu vực 19 tỉnh thành phía Nam đã tương đương 45% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Điều đó cho thấy các tỉnh, thành phố này thời gian qua bị tác động của dịch và áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nên đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và qua đó tác động tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu của nước ta.

Theo đó, sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch, nhập siêu đã quay trở lại và đến thời điểm tháng 7, mức nhập siêu tương đối lớn, lên đến hơn 2 tỷ USD. Tuy nhiên đà nhập siêu này đã giảm dần, đến tháng 8 mức nhập siêu chỉ còn hơn 100 triệu USD và tháng 9, xuất siêu đã quay trở lại với con số khoảng 0,5 tỷ USD. Đây là tín hiệu đáng mừng.

Nhìn chung 9 tháng, Việt Nam vẫn nhập siêu khoảng 2,13 tỷ USD. Nếu so sánh với kim ngạch nhập khẩu, tương đương 0,8%. Đây là một khoảng cách không phải là quá lớn và chúng ta còn ba tháng của quý 4.

 "Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng đến thời điểm kết thúc năm 2021, cán cân thương mại sẽ duy trì ở mức cân bằng. Và nếu như tình hình lạc quan hơn, chúng ta có thể xuất siêu ở tỷ lệ nhất định”, ông Trần Thanh Hải nhận định.

Trên cơ sở sơ bộ tình hình xuất khẩu những tháng đầu năm, trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất sớm được khôi phục trở lại, Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu cả năm 2021 ước đạt khoảng 313 tỷ USD, tăng khoảng 10,7% so với năm 2020, vượt mục tiêu Chính phủ giao (4-5%) và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra của Bộ Công Thương tại Quyết định số 163/BCT-KH ngày 19/1/2021 (4-5%).

Huyền Vy

Bài liên quan

Cùng chuyên mục