Theo Bộ NN&PTNT, 5 tháng qua xuất khẩu hàng nông, lâm thủy sản ước 22,83 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu ước khoảng 19,57 tỷ USD, tăng 51%. Giá trị xuất siêu nông, lâm thủy sản đạt khoảng 3,27 tỷ USD.
Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt 1,75 tỷ USD; lâm sản chính 1,52 tỷ USD, thủy sản đạt 750 triệu USD và chăn nuôi đạt 41 triệu USD…Nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm cao su, chè, gạo, rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, cá tra, tôm; gỗ, mây, tre, cói thảm, quế…
Đặc biệt, nhiều sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu như cao su, chè, nhóm hàng rau quả, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn. Riêng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm 15,6%, nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng 25,2%, đạt 387 triệu USD.
Khu vực châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam với 46,5% thị phần giá trị xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản 5 tháng đầu năm. Tiếp đến là châu Mỹ (27%), châu Âu (10,1%), châu Đại Dương (1,3%) và châu Phi (1,7%). 4 thị trường xuất khẩu chính của nông lâm sản và thủy sản Việt Nam là: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, chiếm thị phần lần lượt là 24,6%, 22,6%, 6,6% và 4,9%.
5 tháng đầu năm, nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm: Cao su, chè, gạo, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, cá tra, tôm; sản phẩm gỗ, mây, tre, cói thảm; quế,… Trong đó, cao su, chè, nhóm hàng rau quả, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 5 tháng tăng hơn 30% so với cùng kỳ
Trong khi đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 7,04 tỷ USD, tăng 126,9%. Nhóm sản phẩm chăn nuôi đạt khoảng 1,52 tỷ USD, tăng 23,2%. Nhóm hàng thủy sản ước khoảng 881,2 triệu USD, tăng 25,8%. Nhóm lâm sản chính khoảng 1,34 tỷ USD, tăng 42,3%. Nhóm đầu vào sản xuất khoảng 2,9 tỷ USD, tăng 36,5%.
Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 43,3 tỷ USD, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp p theo là Hàn Quốc đạt 20,9 tỷ USD, tăng 20,5%. Thị trường ASEAN đạt 18,1 tỷ USD, tăng 54,2%; Nhật Bản đạt 8,9 tỷ USD, tăng 14,8%; thị trường EU đạt 6,7 tỷ USD, tăng 16,8%; Hoa Kỳ đạt 6,4 tỷ USD, tăng 6,8%.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 5/2021, cả nước ước tính nhập siêu 2 tỷ USD. Như vậy, 5 tháng đầu năm , cả nước ước tính nhập siêu 369 triệu USD; trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,74 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 12,37 tỷ USD.
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch COVID-19.
Đồng thời, tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ cũng tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn; trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo cho công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển.
Thiên Trường