7 ngân hàng ra dòng thẻ tín dụng theo tiêu chuẩn thống nhất

Dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và bảy ngân hàng chính thức công bố ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng nội địa và thẻ trả trước nội địa của các ngân hàng này.

Bảy ngân hàng tham gia sự kiện này gồm có: Vietinbank, VCCB, ACB, HDBank, BVB, Sacombank và Vietbank.

Hiện Napas phối hợp với các ngân hàng phát hành 2 sản phẩm là thẻ trả trước định danh và thẻ trả trước không định danh.

7 ngân hàng ra dòng thẻ tín dụng theo tiêu chuẩn thống nhất.7 ngân hàng ra dòng thẻ tín dụng theo tiêu chuẩn thống nhất.

Với thẻ trả trước định danh, khách hàng muốn mở thẻ thì phải có thông tin định danh khách hàng. Khi có thông tin định danh, khách hàng không bị giới hạn hình thức giao dịch như có thể thanh toán tại quầy, rút tiền mặt, chuyển khoản. 

Thẻ trả trước không định danh là sản phẩm mà khách hàng khi cần có thể đăng ký phát hành dễ dàng, tuy nhiên có hạn chế về kênh giao dịch và giá trị giao dịch theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Với thẻ tín dụng nội địa, chủ thẻ sẽ không phải trả phí khi thực hiện các giao dịch thanh toán, chỉ phải trả phí giao dịch rút tiền mặt. Trong khi các thẻ tín dụng quốc tế thu phí rút tiền mặt 4% giá trị giao dịch (có ngân hàng thu tối thiểu 70.000 – 100.000 đồng) thì với với thẻ tín dụng nội địa thường phí rút tiền mặt tại ATM của các ngân hàng phát hành sẽ được miễn phí (với các ngân hàng đang triển khai). Chủ sở hữu thẻ chỉ phải trả phí 1-2% với giao dịch tại hệ thống ATM của ngân hàng không phải đơn vị phát hành thẻ (mức thu tối thiểu từ 10.000 – 20.000 đồng).

Đối với các giao dịch thanh toán thẻ tín dụng nội địa, phí giao dịch mà các cửa hàng phải trả cho ngân hàng sẽ ở mức từ 1,1% - 1,3% giá trị giao dịch (trong khi mức này của thẻ tín dụng quốc tế thường là 2,5%). Còn với các đơn vị bán hàng đặc biệt, cung cấp các dịch vụ công như: như y tế, giáo dục, giao thông... thì mức phí sẽ thấp hơn...

Theo các ngân hàng, tín dụng nội địa là một nhu cầu có tiềm năng phát triển của thị trường nên các ngân hàng muốn thúc đẩy thẻ tín dụng nội địa.

Với thẻ tín dụng nội địa, nếu người sử dụng thanh toán đúng hạn thì ngân hàng không thu lãi suất mà chỉ hưởng phần trăm trên doanh thu mà chủ thẻ đã chi tiêu – do đơn vị bán hàng trả. Mức phí của thẻ tín dụng nội địa thấp hơn thẻ tín dụng quốc tế sẽ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Trên thực tế, trước đây các ngân hàng đã tự phát hành thẻ tín dụng nội địa và thẻ trả trước nội địa nhưng chưa tuân thủ tiêu chuẩn nào nên thẻ của ngân hàng nào chỉ giao dịch được ở hệ thống thiết bị của ngân hàng đó lắp đặt.

Kể từ thời điểm ra mắt sản phẩm thẻ chip ghi nợ nội địa của 7 ngân hàng đầu tiên vào tháng 5/2019, đến tháng 12/2020 đã có 38 ngân hàng thực hiện phát hành thẻ chip nội địa và nâng cấp hạ tầng chấp nhận thẻ chip trên các thiết bị ATM/POS.

Thẻ chip tín dụng nội địa do các ngân hàng, công ty tài chính Việt Nam phát hành với nhiều đặc điểm, đó là: chi tiêu trước trả tiền sau với thời gian miễn lãi tối đa lên đến 55 ngày; chấp nhận thanh toán và sử dụng trên mạng lưới thanh toán 235.304 POS và 14.386 ATM chấp nhận thẻ chip ghi nợ nội địa sẵn có của tất cả các ngân hàng; chi phí hợp lý cho các đơn vị phát hành, đơn vị chấp nhận thanh toán và khách hàng.

Chủ thẻ tín dụng nội địa có thể thanh toán khi mua hàng, sử dụng dịch vụ tại các đơn vị chấp nhận thẻ, thanh toán qua internet, các đơn vị chấp nhận thanh toán trực tuyến. Hạn mức tín dụng của thẻ nội địa do các ngân hàng xác định với từng nhóm khách hàng. 

Ngoài ra, chủ thẻ tín dụng nội địa có thể rút tiền mặt tại tất cả các ATM trong nước và mạng lưới liên kết của Napas tại Hàn Quốc, một số nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia… với chi phí hợp lý. 

Thẻ chip trả trước nội địa với tính năng nạp tiền trước để thanh toán, phù hợp với những giao dịch của giao thông công cộng, mua sắm nhỏ lẻ hàng ngày hoặc dành cho những đối tượng chưa đủ điều kiện phát thành thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ.

TRẦN LÊ

Cùng chuyên mục