Tinh chất dược liệu được nhập lậu từ Trung Quốc gần như đều đã bị chiết xuất sạch, cùng với đó là chất lượng không được đảm bảo.
Thời gian gần đây, số lượng lớn dược liệu được nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam với giá trên trời. Và điều đáng lo ngại hơn, đó chính là chất lượng của dược liệu, chúng đều đã bị chiết xuất sạch tinh chất trước khi nhập về.
Đầu tiên phải kể tới làng nghề chuyên kinh doanh dược liệu nằm tại xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội). Và cũng không ngoa khi nói rằng đây chính là “thủ phủ” của thuốc đông y khu vực phía Bắc.
Tại đây, người ta có thể dễ dàng tìm thấy đủ những vị thuốc, những dược liệu quý hiếm như: ngũ gia bì, vàng đắng, hoàng đằng, ba kích, kim tuyến, hoàng liên chân gà, sâm vũ điệp, hoàng tinh vòng, bình vôi…
Được biết, ở Ninh Hiệp hiện có tới gần 300 hộ kinh doanh, chế biến dược liệu. Thời điểm trước giãn cách, tính trung bình, mỗi ngày, một cơ sở cũng chế biến đôi ba tạ dược liệu. Mỗi ngày cũng có cả chục tấn dược liệu được đưa về Ninh Hiệp. Theo đó dược liệu nhập về được chia làm hai nguồn khác nhau, từ Trung Quốc nhưng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chiếm số lượng lớn và nguồn số lượng ít, không đáng kể được thu mua từ những vùng dược liệu trong nước như Lào Cai, Hòa Bình và Lạng Sơn...
Ông N.V.T., chủ một cơ sở chuyên chế biến, kinh doanh dược liệu ở Ninh Hiệp (đề nghị được giấu tên) cho biết: Nhiều năm trước, nguồn nguyên liệu chính vẫn là dược liệu trong nước. Nhưng chính vì tình trạng khai thác một cách tận diệt để bán qua Trung Quốc kiếm lời, nên giờ dược liệu trong nước dần khan hiếm. Và hiện tại thì ta lại quay ra nhập từ họ về.
Và giờ, điều đáng lo ngại nhất nằm ở chỗ, khi xuất đi thì chúng ta còn nắm được chất lượng dược liệu. Còn khi nhập về, dược liệu, thậm chí là dược liệu quý như sâm, đông trùng hạ thảo, hoàng đằng, nấm lim, nấm chẹo... chỉ còn lại bã, bao nhiêu tinh chất đều đã bị họ dùng máy li tâm chiết xuất cho bằng sạch. Như vậy khác gì người bệnh điều trị bằng bã thuốc đông y nhập từ Trung Quốc thì đúng hơn.
Không chỉ hộ ông N.V.T, mà nhiều hộ khác ở Ninh Hiệp cũng tỏ ý lo ngại về chất lượng dược liệu được thu mua từ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ người sử dụng. Vì bản thân những người làm nghề cũng không được trực tiếp kiểm tra, giám sát quá trình họ sơ chế dược liệu trước khi xuất cho chúng ta.
Người dân Lạng Sơn thu gom dược liệu xuất qua Trung Quốc. Ảnh: Minh Quân
Theo nhiều hội viên của Hội Làng nghề Thuốc Nam xã Ninh Hiệp, thì rất khó để thống kê chính xác khối lượng dược liệu mà các hộ dân trong xã nhập về là bao nhiêu. Lý do bởi các hộ dân phần lớn nhập lậu dược liệu qua đường tiểu ngạch đối với thuốc bắc. Trong khi chất lượng dược liệu thì “không qua một khâu kiểm định nào”. Chất lượng lô dược liệu nhập về hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm của thầy lang.
Tương tự, tại ngôi làng chuyên thu mua, chế biến dược liệu có tiếng Nghĩa Trai (xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), nhiều năm trước người dân nơi đây xuất đi nguồn thuốc sạch, chất lượng cao. Và giờ lại nhập từ Trung Quốc về các loại dược liệu không rõ nguồn gốc, chất lượng.
Nhiều người dân buôn bán dược liệu có tiếng tại làng Nghĩa Trai cho biết: giá nhập tùy vào thỏa thuận của tiểu thương Việt Nam với đối tác Trung Quốc và tùy vào mỗi loại dược liệu khác nhau. Chẳng hạn như đông trùng hạ thảo có loại nhập về 15 triệu đồng/kg, có loại 10 triệu/kg và có loại 100 triệu/kg. Trong khi, giá đông trùng hạ thảo chính hiệu có giá hàng trăm triệu đồng, thậm trí là cả tỷ đồng/kg.
Điều đáng chú ý, là theo chia sẻ của nhiều hộ ở làng nghề làm thuốc Bắc, cũng như kinh doanh dược liệu, thì khi dược liệu được nhập về, các cơ sở chế biến trong xã sẽ dùng lưu huỳnh xông khô, chống ẩm mốc. Theo đó, việc sử dụng lưu huỳnh để sao chế, xông khô nhằm bảo quản dược liệu đã trở thành rất đỗi bình thường.
Tuy nhiên, vì chạy theo lợi nhuận, nhằm bảo quản dược liệu được lâu, nhiều chủ cơ sở đã không ngần ngại dùng lưu huỳnh quá liều lượng để xông khô dược liệu. Một chủ một cơ sở kinh doanh dược liệu có tiếng, xin được giấu tên khẳng định: nếu chỉ dùng một liều lượng nhỏ lưu huỳnh, các vị thuốc bảo quản được từ 4 – 5 tháng. Nhưng nếu dùng với liều lượng lớn, thuốc để được vài năm mà không hề xuất hiện nấm mốc.Phân loại sản phẩm nhập về
Liên quan tới tình trạng sử dụng dược liệu không rõ nguồn gốc làm thuốc bắc, trước đó, ngày 5/12/2019, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) phát hiện, bắt giữ hơn 100 tấn dược liệu nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam.
Kết quả điều tra cho thấy, một số cá nhân tại xã Ninh Hiệp thành lập nhiều công ty có chức năng xuất nhập khẩu hoa quả, hàng tiêu dùng để làm bình phong cho hành vi buôn lậu.
Các đối tượng đã mở tờ khai nhập khẩu các loại hoa quả sấy khô nhưng số hàng hóa này chỉ chiếm số lượng rất nhỏ, chủ yếu là các loại nguyên liệu chế biến thuốc Bắc.
Sau khi qua mặt được lực lượng Hải quan tại Lạng Sơn, các loại nguyên liệu trên được các đối tượng vận chuyển về kho hàng tại Bắc Ninh, Gia Lâm (Hà Nội) rồi đưa đi tiêu thụ nhiều nơi.
Theo quy định, nguyên liệu làm thuốc chữa bệnh, kể cả thuốc bắc, đều phải kiểm soát chặt chẽ cả đầu vào lẫn đầu ra. Tuy nhiên, loại dược liệu không rõ nguồn gốc này khi đi vào Việt Nam sẽ gây ra nhiều nguy cơ đối với sức khỏe con người.
Trong khi đó, theo một lãnh đạo thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: hiện tình trạng nhập khẩu dược liệu từ Trung Quốc không chỉ diễn ra tại Lạng Sơn mà còn ở một số địa phương có đường biên giới với Trung Quốc.
Theo Cục Quản lý y, dược (Bộ Y tế), hằng năm, ngành dược Việt Nam sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại để dùng làm thuốc, thực phẩm chức năng,..., trong đó có khoảng 80 - 85% nhập khẩu, nhưng ước chỉ có 1.400 tấn dược liệu nhập khẩu có nguồn gốc rõ ràng.
Với thực trạng trên Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư (Bộ Y tế) đã tiến hành lấy mẫu kiểm tra chất lượng được 38.192 mẫu các loại. Theo đó kiểm tra chất lượng được trên 500 hoạt chất tân dược và 300 vị dược liệu, phát hiện 504 mẫu không đạt chất lượng. Ngoài ra, các trung tâm kiểm nghiệm của các tỉnh, thành phố đã phát hiện 21 mẫu dược liệu bị nhầm lẫn, giả mạo.
Đánh giá về tình trạng nhầm loài, một chuyên gia về dược liệu cho biết, dược liệu bị nhầm loài từng được phát hiện như: thăng ma, hoài sơn, ý dĩ, hoàng kỳ, khương hoạt, độc hoạt, kê huyết đằng, thổ phục linh, hà thủ ô. Các vị bị nhầm loài từng bị phát hiện thường là các đầu vị, được dùng trong các bài thuốc nâng cao thể trạng, các bệnh thường gặp.
Các dược liệu bị nhầm lại thường được thay thế bằng những loài khác rẻ tiền hơn so với dược liệu thật. Thậm chí, có dược liệu như xuyên bối mẫu, giá thật hơn 10 triệu đồng/kg có thể không bị nhầm nhưng hoạt chất đã bị lấy, không còn chất lượng. Thuốc, sản phẩm từ các dược liệu như vậy thì chằng có tác dụng gì. Thậm chí, nhiều mẫu dược liệu còn có hàm lượng lưu huỳnh vượt quá chỉ số cho phép nhiều lần.
Minh Quân (Đại Đoàn Kết)